đương thời.
Ông bá tước hay ghen và rất có quyền thế; mà chàng chỉ là một kiều dân,
không có bạn bè luật pháp gì che chở cho cả. Teresa ho ra máu, suốt ngày
nằm ở giường, và chàng suốt ngày cũng ngồi ở chân giường để săn sóc. Gia
nhân xôn xao, thì thầm, ông chồng già thì vẫn nhã nhặn. Nhưng chàng biết
chắc rằng vở kịch có thể trở thành bi kịch được. Mặc, chết thì chết. Chàng
được hầu hạ người đẹp thì sướng rồi. Một người đẹp mà ủ rũ, không tin
rằng còn hưởng đời được lâu thì vẻ đẹp tăng lên bội phần, như một cành
hoa lê dưới giọt mưa xuân vậy; mà mối tình càng chua xót, cay đắng thì
càng thêm cuồng nhiệt. Chàng thường tự nhủ: Mối tình này là mối tình cuối
cùng của ta, vì chàng không tin rằng minh còn sống bao lâu nữa. Trai tài
gái sắc yêu nhau, không cưới được nhau mà cùng nghĩ rằng sắp phải từ bỏ
một cuộc đời: thật là đủ tình tiết cho một thiên lệ sử của một thời lãng mạn.
Có lẽ họ muốn kéo dài cái vui hưởng trái cấm đó, chứ không muốn sống
chung với nhau, sợ vỡ mộng. Nàng thì cho rằng có ngoại tình là một điều
thanh cao, đẹp đẽ, còn ly dị với chồng là một tội nặng với Thượng đế. Nàng
thì cho rằng hầu hạ một thiếu phụ là bổn phận phong nhã, mà cướp vợ của
lão già kia thì không phải là quân tử! Cho nên họ cứ tiếp tục cuộc đời kỳ dị
đó.
Nếu họ chỉ lãng mạn như vậy thôi thì cũng không sao, nhưng họ lại có
những tư tưởng tự do, cách mạng. Lúc đó (năm 1820), ở Ý phong trào dành
độc lập đương lên. Chàng gia nhập, được nàng khuyến khích, dân chúng
đòi ban bố hiến pháp. Có kẻ hăng hái đòi thành lập ngay chế độ Cộng hoà
và đả đảo Giáo hoàng. Đến trẻ em cũng hét: “Tự do muôn năm!”. Ty công
an để ý tới gia đình Guiccioli và tới Byron.
Ông bá tước thấy không thể làm ngơ được nữa vì Byron đem cả khí giới
vào chất trong phòng vợ mình, ra lệnh bà phải lựa chon một trong hai
người: hoặc mình hoặc Byron. Bà vợ nổi doá: hạng quý phái mà đối xử với