vợ bất nhã như vậy ư? Chính nàng không muốn xin ly dị, mà chồng bắt
nàng ly dị ư? Mà có bà quí phái nào không có một amico (bạn tai) không?
Sao bắt bà chịu cái nhục từ bỏ amico của mình? Không, muốn ra sao thì ra,
bà không lựa gì hết. Nhưng rốt cuộc họ cũng ly thân nhau, vì cha mẹ Teresa
ghét ông bá tước lục tuần đó, và lại có cảm tình với Byron: cũng quí phái
không kém ai, lại giàu, lại trẻ, lại nổi danh thi sĩ, lại còn có tư tưởng cấp
tiến, hơn đứt đi rồi.
Thế là Teresa về ở với cha mẹ và Byron đi theo, bề ngoài tuy chỉ là amico
nhưng bề trong thì đã non vợ chồng.
Nhưng không hiểu vì đâu, chàng vẫn buồn. Đêm ngày 22-1-1821, sực nhớ
rằng mình đã ba mươi ba tuổi, chàng làm bốn câu thơ:
Trên đường đời tối tăm và bẩn thỉu,
Ta đã lết tấm thân tàn này đã được ba mươi ba năm.
Những năm đó đã để lại cho tôi những gì?
Không có gì cả - ngoài cái tuổi ba mươi ba.
Giọng buồn gấp mấy giọng của Đỗ Mục trong bài Khiển hoài nữa:
Thập niên nhất giác Dương châu mộng,
Doanh đắc thanh lâu bạc hãnh danh.
Và sáng hôm sau, chàng viết sẵn bi ký, coi như mình đã chết rồi.
Nhưng chàng còn sống thêm được ba năm nữa, ba năm cực kỳ hoạt động
như chàng muốn, và nhờ ba năm đó chàng đã chuộc được quãng đời truỵ
lạc trước kia mà lưu danh trong lịch sử nhân loại.
*
* *