so sánh họ với các vị thánh được, ta không thể trách họ sao không có đạo
đức như Khổng Tử, Thích Ca được, nhưng ta thấy họ có tật, thì ta vẫn có
quyền chê vì chính họ cũng xấu hổ về những yếu đuối của họ. Còn như bảo
đời của họ chỉ cho những bài học tầm thường thì cũng không đúng hẳn. Dù
họ có truỵ lạc như Tolstoi, Dostoïevsky, thì tâm hồn họ cũng có những vẻ
đẹp đáng cho ta soi, mà những vẻ đẹp đó ở những người thường không làm
cho ta cảm xúc mạnh bằng ở những danh nhân, vì vậy mà ta thích đọc tiểu
sử danh nhân hơn là những thường nhân. Nếu ta lại học được tinh thần của
Khổng Tử trong câu “Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư yên” thì tôi
tưởng đọc tiểu sử của các nghệ sĩ dù là truỵ lạc, ta cũng vẫn học được rất
nhiều.
Dostoïevsky đam mê cờ bạc làm đau khổ cho vợ con thật, nhưng ông có
một đức rất quý là tận tâm với nghệ thuật. Ngoài cái vui bên tấm thảm
xanh, ông chỉ còn biết bên tờ giấy trắng. Mà vui này cũng chua sót như vui
kia.
Viết đến mệt lả, viết đến động kinh. Hồi hai mươi tuổi, ông viết truyện
Những kẻ đáng thương mà nước mắt ròng ròng. Suốt đời, ông “viết bằng
thần kinh, trong cơn thống khổ và lo lắng”, ông phải gắng sức hoài, mà hễ
gắng sức lâu thì đau. Có lần ông than thở: “Đã ghê chưa? Tôi ngồi đây,
trong ghế bành của tôi, đầu nặng như đá, tay mỏi như dần, không thể gắng
sức một chút được nữa… Mà bên cạnh tôi, con bé cháu nó la… mà tôi
không có tiền mua thuốc cho nó uống”. Sáng tác đối với ông là một nỗi
khoan khoái mà đồng thời cũng là một cực hình. Khổ nhất là những lúc viết
để trừ nợ. Biết là phải moi óc thâu đêm trong hàng tháng đằng đẵng, phải
rút cả tinh tuỷ, khí huyết, để rồi giao cho người ta, chẳng lãnh được đồng
nào hết, mà cũng vẫn phải viết, viết gấp cho kịp kỳ hạn nữa, và viết kỹ cho
khỏi phụ cây bút nữa! Ta thương Dostoïevsky và trọng Dostoïevsky ở đó.
Nội một thái độ từ chối sự giúp đỡ của bạn văn khi viết cuốn Con bạc cũng
là bài học cho ta. Mà ta nên nhớ lần đó sở dĩ ông vay ba ngàn rúp là để trả
nợ cho anh và nuôi các cháu. Ai bảo đời ông là tầm thường?