Ở Đức ít lâu , hai ông bà đi Genève. Tại đây ông viết truyện Chàng ngốc
(L’Idiot – xuất bản năm 1868). Truyện tầm thường, nhiều đoạn không cân
xứng. Nhân vật chính là một anh chàng quý phái, trẻ tuổi, nhưng ngốc, từ
trước sống ngoài lề xã hội rồi bỗng lạc loài vào giữa bọn gian tham, điếm
đàng, mà biến đổi được tính tình của bọn đó nhờ tính ngây thơ của mình.
Truyện khó tin mà vai chính không phải là một vị thánh như Giêsu, cũng
không ra vẻ một chàng Don Quichotte, thành thử lố bịch.
Sau truyện đó, Dostoïevsky viết truyện Người chồng vĩnh cửu (L’éternel
mari) cũng tầm thường, và truyện Bọn quỉ (Les possédés)
có chút tiếng
vang. Bọn quỉ đó là một nhóm người Nga theo chính sách xã hội của Tây
Âu. Ta nên nhớ ông viết vào năm 1870; hồi ấy những tư tưởng mới ở Pháp
chưa bành trướng mạnh ở Nga, mà trong truyện ông đã tiên đoán trước rằng
nước Nga sẽ bị một cuộc cách mạng tàn phá. Ông hô hào quốc dân đừng
bắt chước Tây Âu. Sau này người ta mới thấy tài tiên tri của ông. Ông cho
rằng Giáo hội La Mã tham lam, muốn xen vô chính quyền, muốn chỉ huy
chính quyền nên ở Tây Âu phong trào xã hội mới nổi lên để lật đổ Giáo
hội, và như vậy gây mầm loạn trong quần chúng, vì theo ông “cái luật nhân
sinh chỉ ở điều này: loài người phải có một cái gì mênh mông để luôn luôn
có thể cúi đầu sùng bái. Nếu làm cho loài người mất cái mênh mông đó thì
họ không còn muốn sống nữa. Họ sẽ chết vì thất vọng. Phương Tây (tức
Tây Âu) mất chúa Giêsu (do lỗi của Giáo hội La Mã), vì vậy phương Tây
đương hấp hối, chỉ vì vậy mà thôi. Ông lại nói: “Loài người đã tạo ra
Thượng đế chỉ là để có thể sống mà không đâm giết nhau”. Và ông khuyên
Giáo hội La Mã theo Giáo hội Nga, qui thuận chính quyền, đừng xen vô
chính trị mà chỉ dùng lòng bác ái để hoàn thành sứ mạng của mình.
Những tư tưởng đó chẳng siêu việt gì, chỉ nhờ tài phô diễn, lòng nhiệt
thành của Dostoïevsky mà nó có tiếng vang: phe thủ cựu hoan hô ông vì
ông đả đảo chính sách gây loạn của phe xã hội mà phe xã hội cũng hoan hô
ông vì ông đả đảo Giáo đường La Mã.