Trong mỗi con người có hai phần: thiện và ác, luôn luôn mâu thuẫn với
nhau, (Xin bạn đừng tin sự duy nhất của con người – Dostoïevsky), lúc thì
thiện thắng, lúc thì ác thắng, thật là khó hiểu. Trên đường đời, chúng ta đi
rồi ngừng, tiến rồi lui, lảo đảo như người say rượu, không có mục đích nhất
định, có khi lao xuống vực thẳm mà không biết. Sự mâu thuẫn hiện rất rõ
và tả rất khéo trong nhân vật Ivan và Smerdiakov. Hai anh em cùng cha
khác mẹ đó như hình với bóng. Smerdiakov là cái bóng, là cái phần ác,
phần thú tính trong con người Ivan, cái gì cũng nghe lời Ivan, giết cha vì
tưởng làm như vậy vui lòng Ivan. Mà tâm trạng Ivan thì chính Ivan cũng
không biết. Y có ý định giết cha hay không, y không rõ. Đoạn Dostoïevsky
tả tâm trạng đó thực sâu sắc, tế nhị. Ông Nhất Linh trong Văn Hoá Ngày
Nay số 3 (Viết và đọc tiểu thuyết) khen nghệ thuật đó như vầy:
“… dưới những cái mà tác giả viết ra lại còn ẩn một thứ gì khác, tuy tác giả
không nói đến nhưng mình cảm thấy rõ và cái đó như chiếu sáng những
xấu xa của cuộc đời khiến mình cảm thấy hơi sờ sợ tưởng tác giả như một
đấng tạo hoá đã mở cửa cho mình thấy những cái mà mình không bao giờ
tự hiểu thấu được”.
Nghệ thuật đó, theo nhiều nhà phê bình, từ xưa đến nay chỉ có ba nhà đạt
được: Shakespeare ở Anh, Tolstoi và Dostoïevsky ở Nga.
Dostoïevsky lại có tài làm cho ta hồi hộp đến phút cuối cùng. Truyện đầy
những tình tiết gay go, biến chuyển đột ngột, dồn ép lại trong có mấy ngày
(tôi không kể đoạn xảy ra sau khi Fiodor bị giết)
. Ngay từ đầu, ta có
cảm tưởng rằng sẽ có một cuộc biến động lớn lao, ta hồi hộp theo dõi, ta
tưởng nó sắp xảy ra mà rồi lại không, ta ngờ nhân vật này, nhân vật nọ sẽ
gây ra tai nạn (Dimitri chăng? Ivan chăng?) rồi đùng một cái tại nạn xảy ra,
làm cho ta ngạc nhiên, thủ phạm không phải là Ivan mà là Smerdiakov. Y
như cơn sét đánh.