Tác phẩm in ra, được các nhà phê bình Nga đặt ngang hàng với Anna
Karénine (xuất bản 1877) của Tolstoi. Như tôi nói ở đầu thiên thảo luận
này, người Pháp thời đó chưa hiểu được giá trị của nó vì nghệ thuật
Dostoïevsky khác hẳn với nghệ thuật sáng sủa, cổ điển của Pháp, nhất là
tâm lý dân tộc Nga – một dân tộc như có vẻ man rợ đối với người Tây Âu –
càng khác xa tâm lý dân tộc Pháp. Nhưng bây giờ thì họ nhận rằng Ba anh
em Karamazov đứng trên Anna Karénine cả Chiến tranh và hoà bình của
Tolstoi nữa.
Đối với dân tộc ta, Dostoïevsky còn khó hiểu hơn. Chúng ta thấy nhân vật
của ông kỳ dị quá, du côn, tàn bạo, truỵ lạc, cuồng loạn, điên khùng, tưởng
đâu quỉ ở dưới Âm ty hiện lên. Ta không nhận ra được họ, họ hành động,
suy nghĩ khác xa ta quá, ta ghê sợ, không có thiện cảm chút nào. Phần đông
chúng ta quen với những nhân vật của Tự Lực Văn Đoàn, hay của Nguyễn
Tuân, gần đây của Võ Phiến, có thích chăng là thích Le Grand Meaulnes
của Alain Fournier, chứ chưa hiểu nổi tâm trạng Dimitri, Ivan vì ta đã được
uốn nắn từ nhỏ theo cái nếp sống bình dị, thuần hậu của Nho, Lão, Phật.
Cho nên phải đọc đi đọc lại, suy nghĩ khá lâu mới có thể tin được lời phê
bình này của Henri Troyat: “Thái độ bình thường của ta khác hẳn thái độ
của họ (tức của nhân vật trong tiểu thuyết Dostoïevsky). Vậy mà họ quen
thuộc với ta một cách huyền bí. Ta hiểu họ, ta yêu họ. Sau cùng ta nhận
thấy ta trong họ (…). Họ làm, họ nói những điều mà chúng ta không dám
làm, không dám nói. Họ đưa ra ánh sáng những cái mà ta vùi trong bóng tối
của tiềm thức. Ta nhận xét thâm tâm ta thì ta thấy họ ở trong đó”. Có thể
như vậy được lắm! Và suy nghĩ thêm một tầng, ta sẽ hiểu rằng trong đời
sống “cái ác và cái thiện chằng chịt nhau trong mỗi con người, mà kẻ công
bằng không phải là kẻ tự tin mình là không khi nào lầm lỗi, trái lại, kẻ tự
biết mình cũng bỉ ổi như ai, nên tỏ vẻ khoan hồng với mọi người”. Tự nhận
lỗi mình, nhận cái xấu của mình, khiêm tốn và bác ái: đó, bài học của
Dostoïevsky và sở dĩ ông tìm ra được bài học đó là nhờ gần suốt đời, sống
chung với những cặn bả của xã hội, và thành thực phân tích tâm lý mình.
Lạ thay! Cả hai văn hào bậc nhất của Nga, Tolstoi và Dostoïevsky đều dùng