để dành được năm đô la. Má tôi lại hãng lấy hết số tiền đó vì người có việc
phải tiêu gấp. Tối hôm đó tôi muốn tự tử”.
Chán nản quá, cậu bỏ nghề đó, theo một bọn hải khấu, chuyên đoạt sò ở
ngoài khơi San Francisco. Nghề đó lậu thuế có thể đưa câu vô khám được
lắm, nhưng bề gì cũng thú hơn là làm mọi trong xưởng đóng hộp. Cậu xin
tiền người vú nuôi, mua một chiếc tàu nhỏ. Sướng quá, cậu ghi trong nhật
ký:
“Tôi tháo dây cho buồm khỏi căng rồi theo thuỷ triều, cho tàu trôi tới quần
đảo Asperges, bỏ neo ở ngoài khơi, cách bờ vài hải lý. Mộng của tôi đã
thực hiện được! Tôi sắp được ngủ trên nước, thức dậy trên nước, sống suốt
đời trên nước!”.
*
* *
Năm đó Jack London mới mười sáu tuổi nhưng lực lưỡng nhờ bản chất, và
hiểu đời ít nhiều nhờ mấy năm lăn lộn để kiếm miếng ăn, cho nên trong
nghề đoạt sò chàng không thua kém ai. Cũng truỵ lạc, nóc hết ly huýt ky
này tới ly khác rồi say mèm, cũng cướp nhân tình của người khác – một cô
cùng tuổi với chàng – rồi sống với chàng như vợ chồng, cũng kiếm được
nhiều tiền nhưng cũng có đêm thua bạc tới một trăm tám mươi đô la mà
không hề ân hận. Gì thì gì cũng còn hơn là làm như trâu mười hai giờ một
ngày trong một xưởng hôi hám để lãnh mỗi giờ một cắc.
Được mấy tháng như vậy, sau một đêm say sưa chàng tỉnh dậy thấy túi thì
rỗng mà tàu thì hư, không còn tiền sửa, chàng bán tàu, hùn vốn với một
người khác cũng làm cái nghề bất lương đó trong ít lâu rồi bỏ luôn, xin làm
lính tuần tiểu. Sự thay đổi lạ lùng nhưng dễ hiểu: chàng chỉ muốn sống hết
những cảnh nguy hiểm, đã trải qua đời ăn cướp, nay muốn thử nghề bắt đồ
lậu. Chàng vào hạng nhân viên phụ, không được ăn lương, chỉ được hưởng