học toán, vật lý, hoá, thiên văn. Hoàng tử Pháp học về thảo mộc. Diderot,
J.J.Rousseau, Franklin học đủ các môn. Sách khoa học phổ thông xuất bản
nườm nượp, nhiều cuốn có giá trị như bộ Vạn vật học của Buffon, cuốn
Điện tử của Priestly. Tóm lại, phong trào học hỏi thổi khắp nơi mà các vua
chúa cũng bị lôi cuốn theo, không ngờ rằng ngai vàng của họ sau này bị lật
đổ một phần lớn do phong trào đó, vì dân chúng đã hiểu biết rồi thì tất phải
đòi hỏi, và sau khi đã tò mò học những môn vật lý, hoá, họ muốn biết thêm
các môn xã hội, chính trị của Montesquieu, Rousseau, mà những môn này
đã đưa họ vào con đường cách mạng.
Đó là những nét đại cương của tinh thần thế kỷ XVIII. Trong thời đại như
vậy, một nhà văn như Voltaire, có tài bút chiến, có cây viết sắc bén, cay
độc, lại dám can đảm hy sinh cho lý tưởng, tất lập nên sự nghiệp lớn.
*
* *
Voltaire sanh trước thế kỷ đó sáu năm (1694) và sống trên bốn phần năm
thế kỷ. Ông mất năm 1778 thì mười một năm sau Cách mạng ở Pháp nổ.
Tên ông là François Marie Arouet, sau mới đổi ra Voltaire, có người bảo
tên Voltaire là do lối đảo những mẫu tự Arouet L(e) J(eune)
mà ra,
nhưng điều đó chưa chắc, vì bên ngoại của ông, mấy đời trước, đã có một
người tên Voltaire.
Thân phụ ông là một viên công chức phong lưu, thân mẫu ông dòng dõi
cũng hơi quý tộc. Có lẽ ông đã chịu di truyền cả óc tinh tế và tính hay quạu
của cha lẫn tính phù phiếm, hơi bỡn cợt mỉa mai của mẹ. Ông mới sanh thì
mồ côi mẹ, ông lại yếu ớt đến nỗi người vú nuôi ngại ông chỉ sống được 24
giờ. Thực là bé cái nhầm! Ông đã sống 84 tuổi, nhưng suốt đời phải chiến
đấu với bệnh tật và sở dĩ ông thọ được là nhờ tinh thần ông mạnh mẽ phi
thường.