nghênh, hay tin đó, mỉm cười phê bình: “Giá đuổi cổ một nửa bầy lừa nó
làm chật triều đình đi thì hay hơn”. Cậu nổi danh về hàng chục câu hóm
hỉnh, mỉa mai cay độc như câu đó. Cậu làm hai bài thơ để đả kích viên phụ
chánh, ông này hay được, một hôm gặp cậu bảo: “Cậu Arouet, tôi cam
đoan với cậu rằng tôi có thể cho cậu coi một cái mà chưa bao giờ thấy” –
“Cái gì vậy, thưa ngài?” – “Cái bề trong của ngục thất Bastille”. Ngay hôm
sau cậu vô khám.
Ở trong khám cậu chọn tên hiệu là Voltaire, và để tiêu sầu, cậu làm thơ, viết
kịch, soạn được tập La Henriade – một tập anh hùng ca khá dài kể đời
Henri de Navrre, viết nốt kịch Œdipe mà cốt truyện mượn trong thoại kịch
Hi Lạp. Được một năm, viên phụ chánh thấy chàng thanh niên đó chỉ
ngông nghênh chứ vô hại mà lại có tài nên tha tội và cho một số tiền cấp
dưỡng hàng năm. Vẫn không chừa cái tật hóm hỉnh, cậu viết thư cảm ơn
ông đã giúp cho mình sự ăn uống, còn chỗ ở thì xin phép được tự lo lấy!
Œ dipe giá trị quá tầm thường, tâm lý không sâu sắc mà được diễn liên tiếp
bốn mươi đêm ở Paris, đêm nào khán giả cũng đông nghẹt. Chính cụ
Arouet tò mò lại coi cũng phải khen: “Cái thằng ranh đó?” mỗi khi nghe
được một câu lý thú.
Chàng nhận được 4.000 quan về tiền tác giả. Vốn có óc kinh doanh thực tế
hiếm thấy trong văn nhân, chàng dùng hết cả số tiền để đầu cơ trong một
cuộc sổ số và lời một số tiền quá lớn đến nỗi chính phủ cũng phải ghen.
Nhưng chàng cũng có tính hào phóng, càng giàu lại càng giúp đỡ người
nghèo, che chở kẻ yếu.
Tập anh hùng ca La Henriade làm cho danh chàng vang thêm chút nữa.
Chàng được các gia đình quý phái tiếp đón niềm nở, ai cũng thích nghe
những lời hóm hỉnh, hùng hồn của chàng. Nhưng một hôm chàng bị một
ông quý phái làm nhục trong một cuộc hội họp sang trọng. Chàng đương
thao thao bất tuyệt thì ông quý phái đó lớn tiếng: “Thanh niên nào mà vô lễ