Ngay từ hồi mới biết viết, François đã tập tễnh làm thơ; cha cậu thất vọng,
cho cậu là vô dụng. Cậu theo học một tu viện trưởng vô hạnh, rồi thụ giáo
các thầy dòng Tên. Các ông này dạy cho cậu thuật biện luận – nói cho đúng
là thuật nguỵ biện, mồm mép - mà tinh thần biện luận đó là tinh thần nghi
ngờ hết thảy, không tin một cái gì cả.
Trong khi các bạn chơi giỡn ngoài đồng thì cậu bàn cãi về thần học với các
giáo sư. Ai cũng nhận cậu là thông minh lanh lợi.
Ở trường trung học ra, cậu xin phép cha được sống về nghề cầm bút. Ông
cụ đập bàn la: “Nghề viết văn là nghề của những kẻ vô ích cho xã hội. Sống
bám vào vợ để chờ ngày chết đói”. Cha la thì la, ý cậu, cậu vẫn giữ.
Cái nghề đó sướng quá mà! Không có gì bó buộc, không phải tới sở, tới
hãng, muốn ngủ lúc nào thì ngủ, thức lúc nào thì thức, mà khi người ta mới
hai mươi tuổi thì ai chẳng ham vui, cho nên cậu lấy đêm làm ngày, không
phải để khảo cứu, viết lách gì đâu, mà để “bốc đồng” với một bọn phóng
đãng, đến nỗi nhà cầm quyền phải để ý tới cậu. Ông cụ phải tống cậu về
Caen ở với một người trong họ và dặn người này coi chừng “thằng quỉ” đó,
đừng cho ra khỏi nhà. Nhưng “thằng quỉ” đó mồm mép vào bậc nhất,
không biết thuyết cách nào mà người bà con phải mê, không câu thúc cậu
nữa. Cụ ông tức giận, lần này đày cậu qua La Haye, nhờ viên sứ thần Pháp
ở Hoà Lan cầm chân giùm. Bị cầm chân cách nào không biết mà ngày nào
cậu cũng lén đi thăm một thiếu phụ xinh đẹp, nàng “Pimpette”
cho nàng những bức thư nồng nàn, bức nào cũng chấm dứt bằng câu: “Anh
yêu em mãi mãi”. Thế là viên sứ thần phải trả cậu về Paris.
Năm đó là năm 1715, vua Louis XIV mới băng, vua Louis XV kế vị; vì
Louis XV còn nhỏ tuổi, quyền hành ở trong tay một viên phụ chánh. Viên
này muốn tiết kiệm, đem bán một nửa số ngựa trong các chuồng ngựa
hoàng gia. Cậu François lúc đó 21 tuổi, đang ở trong cái thời ngông