luôn tự đáy lòng phát ra, tuôn ra, lưu loát, mạnh mẽ. Năm 1742, ông yêu
cầu cô Dumesnil trổ tài để lột hết tinh thần trong vở kịch Mérope của ông,
cô đáp: “Khó quá, phải như có quỷ nhập xác mới diễn được như ý ông”.
Ông đáp: “Đúng vậy, muốn thành công trong bất kỳ nghệ thuật nào phải có
quỷ nhập vào xác mình mới được”. Hết thảy những nhà phê bình ông, kể cả
kẻ thù ông cũng phải nhận rằng ông có điều kiện ấy. Sainte Beuve, một phê
bình gia ở thế kỷ XIX, bảo: “Quỷ nhập xác ông ấy”. Một nhà phê bình khác
cũng nói: “Diêm vương đã trao hết quyền hành trong tay Voltaire”.
Đọc những bức thư của ông, ta thấy những lời đó không ngoa. Đọc giả chắc
còn nhớ giọng ông mỉa mai chua chát viên phụ chính, đoạn sau sẽ đọc thêm
lời chỉ trích cay độc J.J. Rouseau; ở đây tôi xin giới thiệu một bức thư ông
đùa cợt một y sĩ:
Thư gởi ông Bagieu, Y sĩ thủ thuật
Thưa ông, bức thư, những lời cảm động, những lời khuyên của ông làm tôi
xúc động rất mạnh và tôi xin thâm tạ ông. Tôi muốn đi ngay tức thì để nhờ
tay ông săn sóc (…). Tôi đã mang qua Berlin khoảng hai chục cái răng, nay
còn độ sáu cái; tôi mang theo hai con mắt, nay đã gần như mất một con; tôi
không mang theo bệnh đan độc, tôi đã lời được bệnh đó và tôi phải ân cần
với nó dữ. Tôi không có vẻ là một thanh niên sắp cưới vợ, nhưng tôi nghĩ
rằng tôi đã gần sáu chục tuổi, mà Pascal và Alexandre chỉ sống vào khoảng
nửa cái tuổi đó…
Cái mà người ta gọi là linh hồn của tôi, Hoá công đã phó cho nó một cái túi
mỏng manh nhất và tàn tệ nhất. Tuy vậy, tôi đã chôn gần hết các y sĩ của
tôi, tới cả ông Mettrie
nữa. Chỉ còn chưa chôn được Codénius, ngự y
của Phổ vương; nhưng cái ông đó có vẻ sống dai hơn tôi. Ít nhất tôi cũng
chết do tay ông ấy. Thỉnh thoảng ông ấy biên cho tôi những cái toa dài
thậm thượt bằng tiếng Đức, tôi liệng cả vào lửa, mà cũng chẳng thấy khó
chịu gì hơn. Ông ấy là một người rất tốt, cũng biết nhiều như những người