lường gạt, cướp bóc, và đủ các tật xấu con người: ngu độn, gian trá, tàn
nhẫn, truỵ lạc, bạc ác… Pangloss trong truyện ám chỉ Leibniz, cho ở đời
cái gì cũng tuyệt hảo, rồi hô hào hưởng hết lạc thú ở đời, vì trong vũ trụ,
bất kỳ cái gì Hoá công tạo ra là cũng để cho đời người được đủ bề tiện lợi
và sung sướng: gà heo lê táo để ta ăn, hoa đẹp để ta ngắm, thuỷ triều để tàu
vô bến được, chân để cho ta đi giày, và mũi chẳng những để cho ta ngửi mà
còn cho ta đeo kính nữa.
Rousseau nối gót Leibniz, cũng chủ trương rằng đời sống thiên nhiên là
hoàn toàn hơn cả, mà nhân loại phải trở lại đời sống sơ khai hồi ăn lông ở
lổ vì cái gì tạo hoá sanh ra cũng tốt mà cái gì loài người tạo ra cũng xấu.
Voltaire nhắm Leibniz mà đồng thời cũng chỉ trích cả Rousseau.
Thú vị nhất là đoạn kết, sau khi bộ ba Pangloss, Candide, Cunégonde kiếm
được miếng vườn an phận sống đời tàn ở Constantinople, Pangloss còn
thuyết Candide:
“Tất cả những biến cố đó đều có liên quan với nhau trong cái thế giới tuyệt
hảo vì nếu anh không bị chủ đuổi ra khỏi một lâu đài đẹp; nếu không bị tra
xét, nếu không phải đi bộ khắp châu Mỹ…; nếu không mất hết những con
cừu ở xứ thần tiên Eldorado, thì làm sao bây giờ anh được ăn những trái
thanh yên dầm đường và những hột đậu phụng này phải không?”.
Candide đáp: “Rất đúng, nhưng chúng ta phải làm vườn đi thôi”.
Năm tiếng “Phải làm vườn đi thôi” mỉa mai mà thâm thuý làm sao! Nó
thành một châm ngôn, cũng như hai câu dưới đây ở những đoạn khác trong
truyện:
“Sự làm việc tránh cho ta được ba đại hoạ: buồn chán, tàn ác và nghèo
khốn”.