“Làm việc mà đừng lý luận: đó là cách độc nhất để làm cho đời sống khả
kham”.
Nhưng cái chán đời của Voltaire không có tính cách tiêu cực. Trong truyện
Candite, bên cạnh những quân truỵ lạc, tàn nhẫn, ti tiện, vẫn có người
lương thiện, quảng đại, trung thành. Chính Pangloss cũng là một người rất
dễ thương. Cunégonde cũng có nhiều đức, còn Candide thì chỉ có mỗi tật là
ngây thơ. Lời khuyên của ông: “Phải làm vườn đi thôi”, có ý nghĩa lạc
quan. Ông không tin rằng thế giới này hoàn toàn, nhưng nếu mọi người
chịu làm mãnh vườn của mình, nghĩa là làm bổn phận của mình thì xã hội
sẽ tàm tạm được. Và ông cũng siêng làm vườn của ông, khu vườn cây ở
Ferney – ông trồng bốn ngàn cây như tôi đã nói – và khu vườn tinh thần:
soạn sách, viết báo, viết thư để đả đảo sự ngu muội, sự bất công.
Ông hợp tác với Diderot để soạn bộ Bách khoa tự điển. Diderot là một triết
gia duy vật, có lẽ chịu ảnh hưởng của một tư tưởng gia đương thời: La
Mettri. La Mettri bị đày vì xuất bản một cuốn nhan đề Người máy trong đó
ông tuyên bố rằng toàn thể vũ trụ, cả đến con người nữa, cũng chỉ là một bộ
máy, không có gì là linh hồn cả, và sở dĩ loài người thông minh hơn vạn vật
là vì có nhiều nhu cầu hơn chúng. Tư tưởng đó quả thật là táo bạo, quá
khích, tới nay nhân loại chưa dám nhận là đúng. Một số đông triết gia khác
hưởng ứng, muốn cải tạo môn luân lý, xây dựng nó lại trên một nền tảng
mới là xã hội học. Trong số các triết gia đó, người nổi tiếng nhất là Diderot.
Mới đầu Diderot chỉ có ý dịch bộ Bách khoa tự điển Anh của Chamber,
nhưng sau ông muốn làm một công trình rộng rãi hơn, đặc sắc hơn. Ông
muốn soạn một bộ có thể chứa hết thảy những hiểu biết của nhân loại,
giảng giải theo lý trí, nên phải kiếm thêm nhiều người cộng tác, trước sau
tới 130 nhà đủ các giới: triết gia, khoa học gia, sử gia, văn nhân… như
D’Alembert, Buffon, Rousseau, Condillac, D’Holbach, Voltaire… Cuốn
đầu ra năm 1751 và cuốn cuối, cuốn 17, ra năm 1772, mặc dầu gặp nhiều
trở ngại vì bị nhà cầm quyền cấm đoán.