dân chúng được dễ thở hơn, chế độ được công bằng hơn và đó là một công
lớn của ông đối với dân tộc Pháp.
*
* *
Năm 1598, vua Henri IV ký một đạo sắc cho phép Cơ Đốc tân giáo
được truyền trong nước, trừ ở kinh đô Paris, và các tín đồ tân giáo được
làm mọi nghề, trừ những chức quan trọng trong triều. Nhưng đến năm
1685, vua Louis XIV vụng về ban một đạo sắc để thủ tiêu sắc đó, làm cho
nhiều tín đồ phải bỏ tài sản, quê hương, xin ngụ cư ở các nước láng giềng.
Vua Louis XV vẫn giữ chính sách tai hại ấy. Tỉnh Toulouse chẳng hạn, tín
đố tân giáo không được làm y sĩ, bán sách, in sách, bán thực phẩm…; thậm
chí không được đi ở cho một người cựu giáo nữa; năm 1748, một người
đàn bà bị phạt vạ ba ngàn quan (một số tiền rất lớn thời đó) vì đã kêu một
bà mụ tân giáo đỡ đẻ.
Nhưng chuyện đó còn là chuyện nhỏ. Năm 1761, một người theo tân giáo
tên là Jean Calas có hai đứa con, một trai một gái. Con gái theo cựu giáo,
con trai theo tân giáo. Có lẽ vì làm ăn thất bại, người con trai tự ải. Theo
luật thời đó, thây của kẻ tự tử phải lột hết quần áo, đặt trên tấm phên, đầu
dốc ngược, kéo đi khắp châu thành, rồi treo cổ ở pháp trường. Người cha
muốn tránh cái nhục đó, năn nỉ bà con họ hàng chứng thực rằng con mình
bị bệnh mà chết. Thiên hạ xì xào đồn rằng trong nhà có án mạng, và cha đã
giết con vì con muốn theo cựu giáo. Calas bị bắt, tra tấn rồi chết. Gia đình
phải bỏ xứ, lại Ferney xin Voltaire che chở. Voltaire vừa uất hận, vừa
thương tâm, bằng lòng giúp đỡ.
Năm sau, Elisabeth Sirven, con gái một người theo tân giáo, hoá điên, nhảy
xuống giếng chết. Người ta phao tin rằng những người đồng đạo của cô đã
giết cô, vì cô muốn theo cựu giáo.