ngay trên ngã ba, chỗ tiếp xúc của Âu, Á, Phi. Như vậy mà trong nước loạn
lạc, vua chúa yếu hèn, triều đình không kỷ cương, cường thần chiếm mỗi
người một nơi, quan lại tham nhũng, quân lính chuyên môn ăn cướp, thì tất
thuộc địa phải nổi lên chống, mà các cường quốc châu Âu làm sao khỏi
dòm ngó? Cho nên Hi Lạp tuyên bố độc lập và Pháp đổ bộ lên Angiéri. Thổ
chống cự lại yếu ớt đến nỗi Nga Hoàng Nicholas I đã gọi Thổ là “con bệnh
của châu Âu”. Một bức hí hoạ đương thời vẽ vua Thổ thiêm thiếp trên
giường bệnh, thần chết Nga hiện lên muốn bắt Thổ đi; bên cạnh là hai bác
sĩ Anh và Pháp đương bàn phương cứu chữa. Chẳng phải Anh Pháp thương
gì Thổ; chỉ vì miếng mồi quá lớn mà địa thế quan trọng quá, không muốn
để cho Nga nuốt trọn. Coi bản đồ ta hiểu được tại sao Nga chỉ lăm le chiếm
Thổ. Nga tìm đường thông ra biển. Nhưng Bắc Băng Dương suốt năm đầy
băng và tuyết, hoàn toàn vô dụng. Trên biển Baltique, có hạm đội của Đức,
Na Uy, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Phần Lan. Nga khó len ra được, dầu có
được thì tới Bắc Hải cũng đụng đầu với hải quân Anh mạnh nhất thế giới.
Vậy Nga như bị vây hãm, chỉ có hai đường thoát ra ngoài: một là tiến qua
Đông, chiếm trọn Tây Bá Lợi Á, vươn tới Thái Bình Dương, đường đó quá
xa mà lại chạm trán với Nhật; hai là do Bắc Hải thông ra Địa Trung Hải,
đường này tiện, nhưng cửa ngỏ Constantinople do Thổ gác, nên Nga nhất
định phải diệt Thổ.
Anh không chịu vậy, vì nếu Nga chiếm Constantinople thì hạm đội Nga
tung hoành trên Địa Trung Hải mà con đường của Anh qua Ấn Độ sẽ lâm
nguy. Pháp cũng không muốn cho Nga lui tới Địa Trung Hải vì Pháp đương
muốn chiếm Bắc Phi. Vì thế Anh Pháp chống Nga mà bênh Thổ, thà để
Constantinople cho Thổ, vì Thổ yếu không làm hại mình được, chứ không
chịu để cho Nga. Rốt cuộc sau chiến tranh Crimée (1854-1856), Nga thua,
Thổ giữ được Constantinople nhưng đã kiệt sức, và Anh, Pháp mừng rằng
chính sách “Để cho Thổ suy mà đừng bắt Thổ chết”, đã thực hành được
đúng.
Thổ thì cứ lịm dần, tình cảnh không khác Trung Hoa thời đó. Ngân khố