luật lệ của các cường quốc định đoạt chặt chẽ; tài chánh Thổ do ngoại quốc
sử dụng, tài nguyên trong nước do ngoại quốc chiếm để nuôi bọn chiếm
đóng, mà quân đội Thổ phải giải tán, chỉ còn giữ lính công an, tới nền giáo
dục cũng do ngoại quốc kiểm soát nữa. Người ta tưởng vua Thổ Méhémet
VI không chịu ký một hiệp ước nhục nhã như vậy, nhưng người ta đã đoán
lầm. Thế là một trong những đế quốc lớn nhất thời hiện đại sụp đổ, nếu
không có một vị anh hùng nhảy ra cứu tình thế. Vị anh hùng đó là
Mustapha Kémal.
*
* *
Mustapha hồi đó 39 tuổi. Ông sanh năm 1881 trong một gia đình trung lưu
ở Salonique. Cha là Ali Rhiza Efendi, làm một tiểu công chức ở nha Quan
thuế, sau nghỉ việc về buôn cây, nhưng không phát đạt. Mẹ là Zobeida
Hanim.
Ngay từ hồi nhỏ, Mustapha đã có tính bướng bỉnh, nóng nảy. Coi hình ông,
ta thấy ngay một người hoạt động, cương quyết, tàn bạo: trán cao, môi
mỏng mà mím lại, lưỡng quyền nhô ra, lông mày rậm, nhất là cặp mắt sắc,
dữ.
Mồ côi cha sớm. Mới mười hai tuổi đã biết hướng về nghề võ. Học ở
trường sĩ quan ba năm, vào hạng giỏi, rồi học ba năm nữa ở trường Tham
mưu, hai năm sau nữa được lên chức đại uý. Có khiếu về Toán và Sinh ngữ,
thông tiếng Pháp, tiếng Đức, và ngay từ hồi đi học, đã ham học môn chính
trị, lén kiếm những tác phẩm của Montesquieu, Voltaire, Rousseau để đọc.
Hoàng gia Thổ cấm những sách đó, kẻ nào trái lệnh thì bị nhốt khám vì tội
phản quốc. Tất nhiên càng cấm, ông lại càng kiếm cách đọc.
Ông bất bình về dã tâm của ngoại quốc và thái độ bất lực của hoàng gia, gia
nhập hội kín, viết những bài hô hào quốc dân chống lại ngoại quốc, tranh