đấu cho nước được tự do, cùng với bạn bè bị bắt giam (1904) ở Stamboul.
Suốt ngày ông đi lại lại trong xà lim, bực bội như con hổ bị nhốt. Bạn bè lo
rằng ông có thể bị thủ tiêu, không cần xét xử gì cả. Nhưng rồi một hôm hai
người lính đeo khí giới lại dẫn ông tới Bộ Quốc phòng. Người ta biết tài
cầm quân của ông, muốn thu phục ông, tha cho ông tội chết và đổi ông tới
Damas để dẹp giặc.
Người ta lầm: con người đó không thể nào thu phục được nếu tình cảnh
trong nước không thay đổi. Ít lâu sau, ông lại vô một đảng cách mạng khác,
đảng Cấp Tiến và Đoàn Kết, nhưng vì không được lãnh trách nhiệm quan
trọng, nên ông chán nản, phản đối và bị loại. Ông không chịu dưới quyền ai
hết.
Mùa xuân 1908, đảng đó tuyên bố chống lại hoàng gia, không ngờ mà
thành công. Chính phủ phái quân đội tới dẹp, quân lính ôm súng qua phe
cách mạng. Nhưng vua Abdul Hamid, khôn như con cáo già, giả đò nhượng
bộ, đổ hết các lỗi cho các cận thần và tuyên bố chế độ lập hiến, niềm nở
tiếp đón các nhà cách mạng. Quốc dân tưởng là bước vào một kỷ nguyên
mới rực rỡ, không ngờ sáu tháng sau, tình thế còn loạn hơn trước: đảng
cách mạng chỉ có ba trăm đảng viên, không được huấn luyện, không có
chương trình, hoạt động lộn xộn, Abdul Hamid vu họ là bọn vô thần, là “kẻ
thù của Chúa”, nên dân chúng và quân đội nhiều nơi nổi lên chống cách
mạng. Nhờ sự hy sinh và tài cầm quân của một số sĩ quan cách mạng, trong
đó người xuất sắc nhất là Mustapha Kémal, quân cách mạng thắng. Abdul
Hamid bị truất ngôi, em lên thay, tức vua Méhémet V, và quyền hành ở
trong tay nhà cách mạng Enver.
Enver trước đó hô hào đuổi người Âu ra khỏi nước, bây giờ kết thân với
Đức, nhờ Đức tổ chức, huấn luyện quân đội. Rốt cuộc tình thế không hơn
trước chút nào. Mustapha Kémal bất bình, tới đâu cũng hô hào chống Đức,
chống chính sách của chính phủ. Ông nói: