kẻ thì cưỡi ngựa, cưỡi lừa, kẻ thì ngồi xe hoặc đi bộ, cải trang làm thương
nhân, thợ thuyền, từ các hang cùng ngõ hẻm tựu cả lại ở Sivas ngày 13
tháng 9 năm 1919. Ý kiến họ khác nhau, tư tưởng chính trị của họ cũng
khác nhau nhưng hết thảy đều nhất trí hi sinh để cứu quốc, đòi cho được
hoàn toàn độc lập, được quyền tự quyết theo lời tuyên bố của Tổng Thống
Huê Kỳ Wilson, chứ không chịu để Đồng minh chia xẻ.
Hoàng gia phái nhiều đội quân Krude – một giống sơn nhân nổi tiếng tàn
bạo – tới dẹp hội nghị. Mustapha Kémal cầm đầu hai đoàn kỵ binh, tấn
công tức thì, không cho quân Krude đề phòng, và vài ngày sau trở về Sivas,
được dân chúng coi như một vị cứu quốc.
Hội nghị đổi tên là Quốc hội, lựa Angora làm kinh đô. Nhưng Quốc hội vẫn
chưa tuyên bố phế Méhémet VI, còn hi vọng nhà vua nghĩ lại mà theo lòng
dân, chống lại các cường quốc.
Tới khi hay tin nhà vua đã phản quốc, hạ bút một cách nhục nhã vào hiệp
ước Sèvres, dân chúng mới hết trông cậy vào Hoàng gia, nổi lên phản đối.
Điều kiện thứ ba – tức thiên thời – chờ đợi một năm nay, bây giờ đã tới, mà
cơ hội đó, chính các cường quốc tham tàn Anh, Pháp, Ý đã đem lại cho
Mustapha Kémal. Ông nắm lấy liền. Có tuyên truyền, huấn luyện quần
chúng hàng chục năm cũng không làm họ hăng hái, mắm môi quyết tâm
diệt kẻ thù chung, bằng những điều khoản vô nhân đạo trong hiệp định
Sèvres đó.
Khắp nước Thổ, dân chúng không tuân lệnh Hoàng gia nữa.
Khắp nước Thổ từ thành thị đến thôn quê, đến thâm sơn cùng cốc, đến cả
những phòng khuê kín mít, già trẻ trai gái không ai bảo ai, cùng đứng phắt
dậy, nghiến răng hướng về Constantinople, nơi quân đội Đồng minh đương
chiếm đóng, quyết diệt tan bọn xâm lăng; người mài gươm, kẻ đúc đạn,
người may áo cho chiến sĩ, kẻ quyên tiền cho quỹ cứu quốc. Những bài ca