hoài về một vấn đề, để cho những tia sáng hiện ra lần lần đến khi thành
một ánh sáng rực rỡ mới thôi”.
Đọc đoạn dưới về sự tìm tòi ra luật vũ trụ dẫn lực, độc giả sẽ thấy lời đó là
đúng.
*
* *
Năm 1672, ông chế tạo được một kiểu kính viễn vọng có gương. Tuy hình
còn thô sơ nhưng quy tắc đã gần hoàn hảo, và những kiếng viễn vọng tối
tân nhất hiện nay cũng vẫn còn áp dụng kiểu của ông. Hội Phát triển Khoa
học Vạn vật ở Luân Đôn đặt ông chế tạo một cái cho hội, rồi lại bầu ông
làm hội viên, yêu cầu ông tuyên bố những thí nghiệm của ông về quang học
cho hội hay.
Từ trước người đã biết rằng ánh sáng mặt trời chiếu qua một tam lăng kính
(prisme) thì thành bảy thứ ánh sáng, mỗi thứ một màu, những màu mà ta
thấy trên cầu vồng. Newton suy nghĩ về hiện trạng đó rồi tính toán, lập ra
một thuyết rằng ánh sáng phát ra nhờ những phần tử rất nhỏ. Thuyết đó,
người đồng thời ông không ai bác được, nhưng hội Vạn vật học ở Luân
Đôn cũng cứ la ó rầm lên vì nó khác hẳn những thuyết cũ của Euclide,
Archimède, Descartes. Cũng ở thế kỷ XVIII, Huyghens đặt ra một thuyết
khác: ánh sáng truyền đi xa được là nhờ những luồng sóng (quang ba); về
sau Fresnel, Maxwell lại lập ra những thuyết khác và hiện nay nhiều nhà
bác học vẫn đương nghiên cứu, chưa ai dám quả quyết là nắm chắc được
chân lý. Vậy mà các bạn của ông trong hội Vạn vật học chế giễu ông, mỉa
mai ông, làm cho ông chua chát, than thở:
- Tôi thấy rằng có ý gì mới thì đừng nên đưa nó ra, hoặc nếu đưa ra thì phải
làm mọi cho những ý mới của mình mà chống đỡ nó cho tới cùng.
Từ đó ông lại càng chán ghét, không muốn tuyên bố gì cả. Nhưng ông vẫn
tiếp tục nghiên cứu.