GƯƠNG HY SINH - Trang 13

Giai thoại đó không thấy chép trong sách khác, nên tôi ngờ là truyện bịa.
Bây giờ đây các nhà bác học có đủ tài liệu để xử vụ đó, đều nhận rằng
không có ai “đạo” của ai hết. Mỗi người ở một nơi, và cùng đi đến mục
đích, do những con đường hơi khác nhau. Con đường của Newton không
tiện lợi bằng mà Leibniz có công đăng kết quả trên báo, đào tạo đồ đệ, còn
Newton cứ khép cửa tháp ngà, nên cái danh đó phải trả lại cho Leibniz, và
hiện nay các nhà toán học đều theo phương pháp của Leibniz.

*

* *

Mà có trả cho Leibniz thì cũng chẳng thiệt gì cho Newton cả vì chỉ một sự
phát minh ra luật vũ trụ dẫn lực cũng đủ cho thế giới đặt ông ngang hàng
với các bậc thánh.
Chắc nhiều vị độc giả đã được nghe truyện trái bơm (táo tây) của Newton.
Tôi còn nhớ các nhà cách mạng của ta hồi ba, bốn chục năm trước thường
dùng chuyện đó để cảnh tỉnh đồng bào, và có một lần tôi đã mắc cỡ đến đỏ
mặt vì nó.
Hồi ấy, tôi mới đậu bằng cấp tiểu học, mà ở một làng hẻo lánh tại Sơn Tây
vào năm 1926 thì đậu bằng tiểu học đã là có hạng lắm rồi. Người làng gọi
tôi là “cậu giáo” mặc dầu tôi vẫn còn đi học. Một hôm, trong một đám giỗ,
đông đủ họ hàng và hương chức trong làng, bác tôi hỏi tôi có biết truyện
quả táo tây của Ngưu Đốn không.
Tôi bí, mà lại nói toạc cái dốt của mình ra:
- Thưa bác, con không biết Ngưu Đốn là ai.
Bác tôi mỉm cười:
- Giáo gì mà ngu thế? Không biết Ngưu Đốn là ai? Một nhà bác học danh
tiếng bậc nhất châu Âu mà mày không biết? Tao chẳng học tiếng Tây tiếng
u gì mà tao cũng biết. Để tao kể cho mày nghe chuyện quả táo của Ngưu
Đốn.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.