Nghe xong, tôi phục bác tôi lắm, nhưng quả thực là xấu hổ với họ hàng,
làng mạc. Sau này lớn lên, đọc bộ Ẩm băng thất của Lương Khải Siêu tôi
mới biết rằng bác tôi hiểu được ít nhiều về văn minh phương Tây đều là
nhờ nhà cách mạng họ Lương của Trung Hoa. Họ Lương đem truyện trái
táo của Newton để mắng dân Trung Hoa là có mắt mà như đui, nghĩ là chỉ
biết nhìn những cái phù phiếm, những mũ cánh chuồn, những cân đai võng
lọng, chứ không biết nhìn như Newton nhìn trái táo, nên chẳng phát minh
ra được cái gì cả, đến nỗi cái thứ thuốc mà tổ tiên họ tìm ra từ hồi xửa hồi
xưa, chỉ để làm pháo đốt chơi cho phí tiền thì người Âu biết cái thiện, chế
ra đạn đại bác để đánh bại họ trong trận Nha phiến. Tôi sợ bác tôi và nhà
cách mạng họ Lương quá. Độc giả thử nghĩ coi: mắt mình đương to như
vậy, các cụ mắng rằng mình đui, mà mình không cãi vào đâu được, thì làm
sao mà chẳng bái phục kia chứ!
Về câu chuyện trái bơm đó có nhiều thuyết lắm. Nhiều sách chép rằng một
người cháu gái của Newton, bà Conduitt, kể cho Voltaire trong một buổi
chiều nọ - có sách bảo là một đêm trăng, - rằng trong lúc trốn bệnh dịch
hạch, tản cư về quê nhà, Newton thấy một trái bơm từ trên cây rụng xuống.
Ông bèn tự hỏi.
- Tại sao trái bơm thì rụng mà mặt trăng lại không rớt nhỉ?
Rồi ông suy nghĩ, tìm ngay ra được luật vũ trụ dẫn lực, mà người ta còn gọi
là luật Newton. Hình như về già, ông có kể chuyện đó lại cho một bạn thân
là ông William Stukely, bảo rằng trái bơm đó làm cho ông ngờ rằng trái đất
có một sức hút nó; mà trái bơm cũng có một sức hút trái đất, nhưng trái đất
lớn hơn nhiều, nên sức hút nó thắng sức hút của trái bơm và trái bơm rớt
xuống đất đúng theo cái hướng về trung tâm trái đất.
Nhưng có nhiều người cho truyện đó là hoang đường, người ta bịa ra, gán
cho nhà thiên văn học Képler, rồi lại gán cho Newton. Nhà toán học Đức
Gauss(1778 - 1855) nghe được đã nổi giận, bảo: “Đồ điên! Sự thực là như
vầy: có kẻ muốn bợ Newton hỏi ông làm sao đã tìm ra được luật vũ trụ dẫn
lực, Newton thấy óc hắn còn non nớt, không sao hiểu nổi, muốn đuổi hắn đi
cho khỏi mất thì giờ, nên đáp: “Nhân một trái bơm rớt đúng vào mũi tôi,
mà tôi tìm ra được luật ấy””.