*
* *
Ông muốn yên ổn sống, song không được. Năm 1684 Leibniz phát minh
được một môn toán, môn vi tích. Chúng tôi không muốn giảng, dù là giảng
rất sơ sài về môn này, sợ chỉ làm cho một số đông độc giả thêm ngán.
Chúng tôi chỉ thưa rằng nó là một môn hơi cao, dạy cách tính những vật
nhỏ li ti, không có trong chương trình trung học, nhưng rất cần thiết cho
khoa học, không hiểu nó thì không thành một kỹ sư giỏi được. Đồ đệ của
Leibniz, đem truyền bá môn đó ở các nước châu Âu và xuất bản một cuốn
nhan đề là Analyse des infiniment petits (Phân tích những cái vô cùng nhỏ).
Năm 1693, Newton hay tin đó, rất bực mình vì chính môn toán đó ông đã
phát minh từ hồi ngoài 20 tuổi, non ba chục năm trước rồi, bây giờ có kẻ ra
sau ông tranh mất danh của ông. Đến khi môn toán của Leibniz đem dạy ở
ngay Luân Đôn thì cuộc xung đột bùng nổ. Người Anh bảo rằng Newton đã
phát minh và Leibniz đã “đạo toán” của ông. Leibniz cãi lại rằng nếu
Newton phát minh trước, sao không tuyên bố, không in sách? Lời qua tiếng
lại luôn mấy năm.
Ông Robert Strother, trong bài Sir Isaac Newton à la découverte de
l’Univers (tạp chí Sélection du Reader’s Digest số tháng 10 năm 1955) bảo
rằng một đồ đệ của Leibniz, tên là Jean Bernouilli - nhà toán học Thụy Sĩ -
tìm ra một cách để giải quyết vụ tranh chấp giữa Anh và Đức đó: ông ra hai
đầu bài toán cho Newton và Leibniz giải xem ai hơn ai kém. Kỳ hạn là một
năm.
Leibniz giải được một bài, đương giải bài kia, thì hết hạn. Còn Newton giải
xong cả hai bài trong hai mươi bốn giờ, rồi gởi cho Hội nghiên cứu Vạn vật
học ở Luân Đôn để đem in mà ký tên là vô danh. Bernouilli đọc bài giải
của Newton, chua chát nhận rằng: “Chỉ trông thấy bàn cẳng đã biết ngay là
loài sư tử rồi”.