Không biết thuyết nào đúng, nhưng điều chắc chắn là Newton tuy không
được hưởng một chút di truyền gì của tổ tiên, như tôi đã nói ở trên, ít nhất
cũng đã chịu ảnh hưởng những tư tưởng của nhà bác học tiền bối. Trước
ông, Copernic và Képler đã ngờ rằng tinh tú có sức hấp dẫn nhau; rồi người
Ý Borelli, người Pháp Bouilliaud, các người Anh Wren, Halley và Hocke
đã đoán rằng sức hấp dẫn đó thay đổi tùy theo các tinh tú cách nhau xa hay
gần, hễ khoảng cách tăng lên gấp đôi thì sức hấp dẫn nhỏ đi, còn có một
phần chín. Nhưng họ chỉ đoán lờ mờ như vậy thôi, chứ không chứng thực
nổi. Đọc lịch sử khoa học, ta thấy rằng một thiên tài dù là “trên trời rớt
xuống” như Newton, nếu không sinh đúng cái thời thuận tiện, có người
trước mở đường, được người đồng thời có một trình độ đủ hiểu mình, lại có
đủ phương tiện để làm việc, thí nghiệm thì không thể nào phát minh được
một thuyết mới. Có khi gặp thời đã chín mùi, một ý mới nào đó xuất hiện ở
nhiều nơi một lúc - người Pháp bảo là ý đó “bàng bạc” trong không trung
- và hai nhà bác học ở xa nhau, không liên lạc gì với nhau, cùng nghiên
cứu một vấn đề, cùng tìm ra được một kết quả, tức như trường hợp lập ra
môn vi tích toán của Newton và Leibniz.
Vậy ở thế kỷ XVIII, luật vũ trụ dẫn lực đã có nhiều nhà mờ mờ thấy rồi và
Newton có tài hơn hết thẩy nên đã tìm ra được rồi chứng thực được. Nếu
câu chuyện trái bơm có thiệt thì chắc ông đã suy nghĩ như vầy:
“Trái bơm ở trên cây rớt xuống; nhưng nếu cây đó cao hơn trăm, ngàn lần
nữa thì trái có rớt không? Sức bí mật nó hút mọi vật về trái đất đó, có ảnh
hưởng gì tới những vật cách trái đất cả trăm ngàn cây số không? Chẳng
hạn, mặt trăng cách trái đất 384.000 cây số, có bị trái đất hút không? Chắc
là có. Nhưng như vậy tại sao mặt trăng không rớt mà cứ chạy vòng vòng
trên không trung? Vậy thì có một sức gì khác nữa ảnh hưởng đến mặt
trăng?...”
Rồi ông giả thiết một luật: tất cả các vật trong vũ trụ đều hút lẫn nhau, vật
càng lớn thì hút càng mạnh, lớn gấp hai, gấp ba thì sức hút mạnh gấp hai
gấp ba; vật càng xa thì hút càng yếu, nếu xa gấp hai thì sức hút chỉ còn một
phần tư, xa gấp ba thì sức hút chỉ còn một phần chín; nói theo nhà toán học
thì sức hút thay đổi tỉ lệ thuận với trọng khối, và theo tỉ lệ nghịch với bình