Newton, bôi đầy 10.000 trang toán - kinh hồn chưa! - rồi tuyên bố với thế
giới rằng, ở nơi đó trên trời phải có một hành tinh nhỏ mà mắt trần không
thấy. Các nhà thiên văn nhao nhao lên, đồn tin đó như ngày nay chúng ta
đồn tin hỏa tiễn lên cung trăng vậy. Galle, nhà bác học Đức, hay tin ngày
26 tháng 9 năm 1846, vội vàng ngay đêm ấy, chĩa kính viễn vọng về điểm
mà Le Verrier đã chỉ, quả nhiên thấy một hành tinh, mà người ta đặt tên là
Neptune. Bộ óc của loài người nhỏ chỉ bằng nắm tay mà vĩ đại thật!
Tập Quy tắc tuy chỉ có ba bốn người hiểu, nhưng đã làm cho mọi người
thán phục. Sau này Laplace bảo: “Cuốn sách đó sẽ còn là một công trình
bất hủ, thâm thúy của một thiên tài đã phát lộ cho ta cái luật lớn lao nhất
của vũ trụ.” Còn Lagrange thì có vẻ như ghen tuông, thở dài: “Newton đã
sung sướng quá, có một vũ trụ để mà giảng! Khổ thay! Không còn một vũ
trụ thứ nhì nữa!” Ý ông muốn nói: “Không có một vũ trụ thứ nhì để ông
khám phá, tìm ra luật nữa như luật của Newton”. Voltaire thì hồn thơ lai
láng. hỏi rằng những thánh thần ở trên cao kia, có ghen với Newton vĩ đại
không?
Confidents du très Haut, substances éternelles,
Parlez: du grand Newton, n’étiez vous pas jaloux?
*
* *
Danh ông vang lừng. Năm 1688, viện Đại học Cambridge bầu ông vào
Quốc hội đại diện cho viện. Nhưng nhà bác học thiên tài của chúng ta là
một nghị sĩ rất tồi, hạng nghị câm. Suốt hai năm ở Quốc hội ông chỉ mở
miệng có mỗi một lần, không phải để phát biểu ý kiến gì cả mà chỉ để bảo