kẻ môn lại đóng giùm cho ông cái cửa sổ.
Năm 1693, ông được bổ nhiệm chức Giám đốc ngân khố, lương rất cao,
30.000 quan mỗi năm. Ông không có tài gì về hành chánh nhưng làm việc
rất cần mẫn, bảo: “Tôi không muốn cho người ta ngờ rằng tôi đem thì giờ
làm việc công để làm việc tư”.
Lạ lùng hơn nữa là ông rất lý tài, khéo làm ăn, dành dụm, mặc dầu chẳng
có con cái gì cả mà chết đi cũng để lại được một gia tài rất lớn: ba mươi hai
ngàn bảng Anh. Người ta chê ông hơi ích kỷ, không có bạn thân, và không
có lòng thương người - hình như khi bộ óc phát triển quá thì con tim cũng
chịu ảnh hưởng mà teo lại - có kẻ lại xấu miệng bảo ông là hà tiện, suốt đời
không hút một điếu thuốc, nhưng ông đáp rằng dại gì mà tạo thêm một nhu
cầu mới.
Năm 1705, Hoàng hậu Anh làm lễ phong hầu cho ông. Ông là nhà bác học
đầu tiên của Anh được vinh dự đó. Hàn lâm viện Ba-lê tặng ông một ghế
trong số tám ghế dành cho người ngoại quốc.
Nhưng có lẽ vì bao nhiêu tinh anh đã phát tiết hết, nên từ hồi 48 tuổi ông
không nghiên cứu gì được nữa. Có lần chỉ trông thấy một ngọn cỏ dại trong
vườn ông cũng nổi cơn điên lên. Nhiều khi ông lảo đảo quay tròn, tỉnh rồi,
chép trong nhật ký: “Tôi đâm ra oán ghét khoa học”. Ông nghỉ ngơi ba
năm, đến năm 1695, hết bệnh điên, nhưng không làm việc tinh thần nặng
nhọc nữa.
Ông thọ 84 tuổi, trong hai chục năm cuối, bị chứng bệnh có sạn trong mật.
Khi nổi cơn lên, ông đau dữ, toát mồ hôi, nhưng can đảm chịu, không rên,
không kêu; và cơn qua rồi thì ông lại vui vẻ như thường.
Ông mất ngày 20-3-1726. Triều đình Anh làm lễ quốc táng, đặt ông nằm
chung với các vua chúa Anh ở điện Westminster. Đó không phải là một
vinh dự cho ông mà cho Hoàng gia Anh. Trên mộ có khắc hàng chữ tôi đã
dẫn ở đầu bài này:
“Loài người nên hoan hỉ rằng một vinh quang lớn lao bực ấy của nhân loại
đã xuất hiện”.