chạy tới, lôi kéo các sản phụ về giường và một lát sau, yên tĩnh trở lại, chỉ
còn văng vẳng những tiếng nức nở, nghẹn ngào ở cuối dãy.
Semmelweis lảo đảo bước về phòng giải phẩu, ngồi bệt xuống một chiếc
ghế, úp tay vào mặt khóc. Chàng vẫn biết dân chúng sợ tiểu khu thứ nhất.
Chàng nhận rằng yêu cầu của họ có lý vì những kẻ đẻ rơi ở lề đường, bên
bờ suối rồi vô nằm nhà thương thì không sao, còn hễ đẻ ở nhà thương thì
mười người chết tới ba – bốn, có khi chết tới bảy – tám, cho nên chàng
không thể nhẫn tâm lôi kéo họ về giường được. Nhưng làm một bác sĩ mà
trông thấy bệnh nhân sợ mình như sợ hung thần thì có tủi nhục, đau lòng
không chứ?
Một đồng nghiệp nắm cánh tay, lắc chàng:
- Buồn cho anh thật, anh Ignace. Ông Klein thế nào cũng biết và sẽ rầy anh.
Nhưng thôi quên đi, thỉnh thoảng vẫn có những cuộc nổi điên như vậy ở
nhà thương.
Semmelweis ráng quên đi, vùi đầu vào việc học, ngày nào cũng mổ xẻ hai
ba xác bệnh nhân chết vì sốt sản hậu (Fièvre puerpérale) vì hết thảy các sản
phụ trong nhà thương đều mắc bệnh ấy mà qua đời.
Chàng quyết tâm tìm hiểu thật kỹ bệnh đó đọc hết các sách về nguyên nhân
triệu chứng bệnh sản hậu và các phương pháp chữa. Chàng học tới thuộc
lòng những tác phẩm chính. Nhưng không có tác giả nào chịu đồng ý kiến
với nhau. Người ta kể ra tới 28 nguyên nhân, còn phương thuốc thì rất ít mà
tuyệt nhiên không công hiệu. Chàng càng học, càng thấy hoang mang, nghi
ngờ, muốn kiểm tra nguyên nhân thứ 29.
Một hôm, chàng đỡ đẻ cho một sản phụ khỏe mạnh, hồng hào, mẹ tròn, con
vuông. Đứa nhỏ khóc lớn tiếng và nặng cân. Chàng tận tâm chăm sóc, an ủi
người mẹ vì chồng chị ta đang bị giam. Qua một ngày rồi, nhiệt độ chị ta
vẫn bình thường, chàng đã mừng.
Nhưng hôm sau, chàng để ý thấy mắt thiếu phụ sáng quá, má đỏ quá, chàng
ngờ ngờ bèn lấy thủy, thủy lên ít thôi; đếm mạch, mạch bình thường.
- Cứ tĩnh dưỡng rồi ít bữa mới đi đứng được.
Miệng nói vậy mà lòng vẫn không yên.
Hôm sau nữa, thủy lên dữ, mạch nhanh mà yếu (120/phút). Chàng ra toa,