một cảnh thần tiên chưa hề có trên trái đất: hàng trăm bóng đèn mắc trên
dây ở hai bên đường từ nhà ga tới Menlo Park, ở xa coi tựa hai dãy sao gần
chân trời. Người ta trầm trồ khen ngợi, lấy làm lạ rằng đèn chúc ngọn
xuống mà vẫn cháy. Ông tuyên bố với mọi người rằng ông sẽ làm cho một
khu ở Nữu Ước dùng toàn đèn điện.
Ông lại bỏ ra hai năm nữa để san phẳng mọi trở ngại về tài chính, kỹ thuật
và tổ chức, mà xây được một nhà máy điện, mắc mấy cây số dây điện trong
chín trăm nhà và đặt mười bốn ngàn bóng đèn điện, một mình ông đứng chỉ
huy mọi việc. Ông tin rằng sự nghiệp đó lớn nhất trong đời ông. Ông lựa
ngày mùng bốn tháng chín năm 1882 để làm lễ hoàn thành.
Tờ New York Herald chép: “Nhà phát minh đại tài ra lệnh, người ta hạ một
tay vặn xuống, tức thì, cùng một lúc, hàng ngàn bóng đèn trong mọi căn
nhà cháy lên, tỏa một ánh sáng ấm áp. Ôi! Lạ lùng, ngọn đèn không chập
chờn như ngọn đèn khí, mà cháy đều đều, làm cho chúng ta có thể ngồi viết
hàng giờ mà không ngờ rằng ánh sáng đó là ánh sáng nhân tạo!...”
Ngày đó, Edison đã mở màn cho kỷ nguyên điện.
Thân mẫu ông đã đoán đúng: “một ngày kia người ta sẽ nhắc đến tên tuổi
con tôi...” Dân thành Nữu Ước đổ xô nhau lại coi những bóng đèn mới và
coi vẻ mặt sáng sủa, khả ái, cương quyết và ngây thơ, vừa mơ mộng vừa
hoạt động của ông. Khắp thế giới nhắc đến tên ông, đặt ông vào hàng vĩ
nhân bực nhất đương thời, và câu nói: “Thiên tài là một phần trăm hứng và
chín mươi chín phần trăm toát mồ hôi” được người ta truyền lại cho hậu
thế.
*
* *
Năm 1884, bà Mary mất, ông càng cặm cụi làm việc để quên nỗi đau lòng.
Hai năm sau, ông cưới bà vợ kế, bà Mina Miller d’Akron.
Từ đó đến đầu đại chiến thứ nhất, ông phát minh được rất nhiều máy mới