ăn, bỏ cả ngủ, khi đã ngồi vững trên yên rồi, một người anh tôi vỗ đùi, bảo
hai người kia: “Chỉ có mười ba đồng mà đào tạo được ba cái thiên tài, rẻ
quá, phải không các chú mày? Nhất là nó gây cho chúng mình được bao
nhiêu phút thần tiên”.
Bạn thử nhớ lại xem, hồi mười, mười một tuổi, có cái thú nào bằng cái thú
tập xe máy không? Kể cả cái thú chơi đớn và đá banh nữa. Ngay bây giờ
đây, đã gần năm chục tuổi, mà mỗi lần về tỉnh nhỏ, tôi vẫn thích nhảy lên
một chiếc xe máy đi dạo trên những đường vắng, nghe tiếng chim ríu rít
trên cành và nghe tiếng gió thổi nhè nhẹ ở bên tai. Hễ đi dạo thì tôi không
thích xe hơi: nó nhanh quá và khét mùi xăng; ghét cả xe máy dầu: nó nặng
quá mà ồn quá, nhất là vì nó không cho tôi được đạp. “Không được đạp thì
có gì mà thích?” Có lần một em nhỏ bảo tôi như vậy. Thật đúng quá. Mà
cái tiếng chuông xe máy hồi xưa nghe cũng khoan khoái, trong trẻo, thanh
nhã biết bao: “Kíng keng! Kính keng!” Vạn tuế xe máy! Vạn tuế ông
Kirpatrick Mac Millan, người đã phát minh ra xe máy.
Nhưng cũng phải vạn tuế ông Dunlop nữa, vì không có ông thì đạp xe máy
tới bây giờ vẫn còn là một cực hình. Bạn nào đã lớn tuổi chắc chưa quên
những xe kéo bánh sắt hồi xưa? Quên làm sao được. Nghĩ lại mà rùng
mình! Bốn chục năm trước, mỗi lần ở Hà Nội về thăm quê ở Sơn Tây,
chúng tôi phải đi bằng xe kéo bánh sắt, vì hồi đó, hãng xe hơi Mỹ Lâm
chưa xuất hiện. Đường dài khoảng bốn chục cây số, mà chúng tôi phải
ngừng bốn năm chặng: ở Cầu Giấy, ở Nhổn, Trạm Trôi, rồi Phùng… Mỗi
lần ở trên xe bước xuống, chúng tôi thở nhẹ một cái, rồi vươn vai, vặn
mình, kiếm cái chõng hay cái võng để ngả lưng. Xe chạy rất chậm, nhiều
lắm là sáu cây số một giờ, nhưng chỉ vì hai cái bánh sắt mà nó lọc cọc, nhồi
lên nhồi xuống, lắc bên đây lắc bên kia, thỉnh thoảng chúng tôi lại mắm
môi, bám lấy sườn xe cho khỏi bị tung lên. Tới Sơn Tây, các khớp xương
trong mình muốn long hết ra. Ấy là xe chở nặng, lò xo mạnh, mà còn như
vậy. Thử tưởng tượng,bảy chục năm trước, xe máy còn bánh sắt, mà chạy
mười, mười hai cây số một giờ, thì cái con người ngồi trên yên, sau một
ngày du lịch, có lẽ không còn cái xương nào lành. Cho nên hồi đó, xe máy
chỉ dành riêng cho lực sĩ, người thường như chúng mình ít ai dám leo lên