Tin đó đưa ra, các nhà bác học Anh, Đức, Ý … đều ngưỡng mộ ông bà
vào bực kỳ tài, duy có chính phủ Pháp là cơ hồ không thèm lưu ý tới. Ông
không có tham vọng gì cả, chỉ ước ao được một chân giáo sư đại học và
một phòng thí nghiệm có đủ dụng cụ thôi ; nhưng chính phủ không cho, lấy
lý rằng những phát minh của ông không thuộc phạm vi vật lý hóa ! Thành
thử lương ông vẫn là năm trăm quan một tháng, không đủ tiêu, vì nhà đã
thêm trẻ.
Mãi đến khi chính phủ Thụy Sĩ, trọng tài ông, mời cả hai ông bà qua dạy
trường đại học Genève, mà ông từ chối, vì muốn ở Ba Lê tiếp tục nghiên
cứu về chất radium, chính phủ Pháp mới chịu nhận giá trị của ông, mời ông
dạy lớp Vật Lý Hóa - Tự nhiên ở trường đại học Sorbonne và mời bà làm
giáo sư ở trường Cao đẳng Nữ sư phạm Sèvres. Nhưng phòng thí nghiệm
thì vẫn không cho.
Năm 1902, nhiều bạn thân thúc ông xin ứng cử vào Hàn lâm viện Khoa
học. Ông không chịu, cho cái thủ tục bắt các ứng cử viên phải đi chào các
ông Hàn trong viện là nhục nhã, cô nghĩa. Nhưng nể lòng bạn, ông đành ra
ứng cử, và kết quả là ông thua. Phần đông các cụ Hàn nhà ta không ưa ứng
cử viên « khả ố » không chịu khom lưng đó, nên bầu ông Amagat, một kẻ
bất tài, vô danh, chỉ đáng khen ở chỗ lưng mềm.
Ít lâu sau, một vị bộ trưởng đề nghị thưởng ông Bắc đẩu bội tinh. Ông
cương quyết từ chối :
-« Tôi xin đa tạ ông bộ trưởng và thưa với ông rằng, tôi không thấy cần có
huy chương mà chỉ cần có một phòng thí nghiệm thôi ».
Từ đó hai ông bà hết trông cậy vào sự giúp đỡ của chính phủ, lại tự
lực tiếp tục thí nghiệm bằng những phương tiện rất thiếu thốn. Có lần ông
làm việc quá mà muốn đau, chán nản, nói với bà :
-« Cuộc đời chúng ta đã chọn, vậy mà khó nhọc quá chứ !
Đã mấy tháng nay, ông lo sẽ chết sớm. Bà an ủi :
-« Mình … rán vui lên, mình.
Nhưng rồi, không nén được lòng, bà nghẹn ngào nói tiếp :
- Nếu trời bắt tội một đứa trong chúng ta chết trước … thì kẻ còn lại