7. MATA-HARI VIỆT NAM
Năm ấy, là năm 1911. Tại nhà nuôi trẻ mồ côi của các bà phước ở phố
Hàng Bột Hà Nội (sau này gọi là phố Sinh Từ)…
Trong sân, bầy gà con đi theo mẹ kiếm mồi ăn, tiếng kêu cúc cúc. Một
đứa trẻ gái chừng trên 10 tuổi hai mắt sáng ngời nhìn theo những con gà
nhỏ, không chớp mắt. Hồi lâu nó bỗng để rơi hai giọt lệ tràn xuống gò má.
Chú cai vườn đang nhổ cỏ buổi sáng, thấy đứa bé khóc, bèn hỏi :
- Tại sao em buồn ! Có chuyện gì mà phải khóc ?
- Em khóc vì em thấy bầy gà có mẹ mà nghĩ đến thân phận em mồ côi
nên buồn tủi. Em nay không bằng con gà con, không có lấy được một người
để nuôi nấng như bầy gà có mẹ này. Em cũng không có anh em, bà con, họ
hàng gì cả.
Chú cai vườn trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu. Rồi chú đứng lên sát lại gần
đứa bé mà nói nhỏ :
- Em đừng lo buồn. Em không có gia đình, nhưng em còn một gia đình
lớn là Tổ quốc, là mấy chục triệu đồng bào. Em sẽ có ngày sống với đời ;
em sẽ thấy vui tươi với cái gia đình rộng lớn ở chung quanh em.
Đứa trẻ tuy mặt mũi sáng sủa, thông minh lanh lợi nhưng cũng chưa
hiểu nổi mấy câu quá cao ấy đối với tầm óc nó. Chú cai vườn chú ý đến nó
từ lâu ; đã nghĩ đến lúc nó lớn lên, khôn ngoan sẽ giúp ích được cho đời. Vì
chú cai không chỉ là một người giữ vườn. Chú còn là một cựu đảng viên trẻ
tuổi của phong trào Cần Vương, sảy đàn tan nghé, phải nấn náu trong nhà
nuôi trẻ mồ côi, chờ cơ hội sẽ thi hành chí lớn.
Từ hôm ấy, chú cai vườn với cô bé có vẻ thân mật hơn.
Chú thường lân la kiếm chuyện nói với cô bé, nhồi những tư tưởng ái
quốc vào đầu óc cô. Cô bé sáng dạ, thấm nhuần được lời giáo hóa của chú.