Nó cũng nhớ luôn luôn câu nói cuối cùng của chú sau mỗi lần nói chuyện :
« Em giữ kín, nếu hở môi nói gì bậy bạ, Tây nó biết thì mất đầu như chơi ».
Ngày tháng trôi qua. Cô bé lớn lên và đến 15 tuổi thì bỏ nhà mồ côi,
trốn đi đâu mất.
Chú cai vườn mà không ai biết tên họ là gì, đã xin thôi việc từ năm
trước.
Trong khoảng những năm 1914-1917 nước ta có nhiều biến cố : cụ
Phan Đình Phùng ở miền Trung phất cờ Cần Vương chống Pháp, vua Hàm
Nghi đứng lên đòi lại chủ quyền, Thành Thái rồi Duy Tân cũng không chịu
sống dưới bàn tay ác bọc nhung lụa của thực dân ; ngoài Bắc thì Đề Thám
khởi Nghĩa, ở nước ngoài cụ Phan Bội Châu, cụ Nguyễn Hải Thần xua binh
về đánh các vùng Lạng Sơn, Cao Bằng… Nhưng bao nhiêu thất bại kế tiếp
nhau, khiến cho kẻ bi quan đã tắc lưỡi than thầm :
Nhọc lòng xe cát bể đông,
Hao binh mã chẳng nên công cán gì.
Các khám đường mạn ngược tức các tỉnh miền thượng du đầy nhóc
những nhà ái quốc, những thanh niên ưu tú của quốc gia đã hy sinh cho
nước để rồi sống trong cảnh gông cùm, khổ cực.
Thái Nguyên là tỉnh chứa nhiều phần tử chống Pháp nhứt nên tương
đối với các tỉnh khác ở mạn ngược, Thái Nguyên được Pháp phòng thủ kiên
cố hơn. Thái Nguyên có một cơ binh hùng hậu gồm cả lính lê dương, lính
khố xanh (người Việt) và cả lính dõng nữa (người Thượng) đặt dưới quyền
của viên giám binh Bẹt-giê (Berger) có tiếng là con người « thét ra lửa ».
Về hành chánh thì Thái Nguyên được giao vào tay công sứ Đạc
(Darles) mà người Bắc đã liệt vào hạng « tứ hung » và đặt ra câu ngạn ngữ :
« Nhất Đạc, nhì Be, tam Ke, tứ Bích ». Đó là bốn viên Công sứ (Tỉnh
Trưởng) tàn bạo ở Bắc Kỳ : Đạc (Darles) ở Thái Nguyên ; Be (Wintrebert)
ở Bắc Ninh, Ke (Eckert) Đốc lý Hà Nội và Bích (Brides) công sứ Lạng Sơn.