Sáng hôm sau, đúng như lời hứa, anh đến trước cửa khám đường. Anh
gõ mấy tiếng vào cánh cửa sắt sơn đen có một cái lỗ hổng tròn băng miệng
chén, để người gác đứng trong dòm ra xem ai muốn vào. Cánh cửa nặng nề
từ từ quay, phát ra những tiếng sắt rỉ, nghe ken két, để trống một chỗ nhỏ
vừa cho một người lách đi vô.
Anh gác cửa là một nhân viên đã làm lâu năm ở đây, còn nhớ mặt «
ông Phán Hy » đon đả chào hỏi :
- Kìa ông Phán, hồi này mạnh khỏe chớ. Hôm nay vào thăm ai đây ?
- Thăm anh em cũ làm trong « ghép » và thăm cụ « Tổ ».
Cụ « Tổ » được anh em tặng cái danh hiệu này vì cụ là một nhân viên
già gần 70 tuổi, còn làm « xếp ghép ». Đã quá tuổi về hưu, cụ còn khỏe
mạnh và có dân tây nên được lưu dụng để làm cái việc an nhàn dưỡng lão
nầy. Lại nữa cụ thạo công việc hành chính trong Hỏa Lò quá, thuộc làu mọi
việc, nên người ta cũng muốn nhờ ở kinh nghiệm của cụ. Trước kia cụ Tổ
đã tòng sự ở khám đường đảo Réunion, từng giao thiệp với Thành Thái,
Duy Tân trong cảnh sầu xứ nên cũng có óc tương đối rộng hơn các công
chức gốc Việt dân Tây khác. Cụ hay giúp đỡ đồng bào, đem chút đỉnh ưu ái
xoa dịu phần nào nỗi khổ đau của những người mang số kiếp « vào tù ra
khám ». Người ta gọi cụ là cụ « Tổ » cũng xứng đáng.
Anh Hy trước đây làm dưới quyền cụ, nay trở lại thăm cụ vì tình « thầy
trò » cũng là chuyện thường. Cụ Tổ có ngờ đâu người đồng sự cũ còn trẻ
tuổi này đang là một điệp viên của các « Bô lão » trong làng cách mạng.
Tay bắt mặt mừng, anh Hy ba hoa hỏi thăm sức khỏe của cụ. Tình thầy
trò thật mặn mà, thắm thiết. Anh không ngồi mà chỉ đứng trước bàn cụ,
không phải vì lý do « kính lão » nhưng dụng ý muốn nhìn xuống giấy tờ
trên bàn xem có ba chữ « Phan Bội Châu » không ?
Vô kế khả thi. Cụ Phan bị bắt cả tuần lễ nay rồi, vậy nếu muốn xem có
tên cụ trong « Sổ Đoạn Trường » không thì ít ra phải lật lên cả chục trang