12. HAI CHA CON HAI LẰN MỨC
- Á ! Mầy lại đem những cái « cặn bã văn minh » ấy ra mà tính thuyết
phục tao ? Mở miệng ra là Rousseau với Montesquieu, chỉ những lý thuyết
suông chớ không nhìn vào đời thực tế. Cho mầy đi Tây học được cái bằng
cử nhân luật, những mong về nước làm nên danh phận, rạng rỡ tông đường,
chớ đâu phải để mầy nhồi sọ bằng những tư tưởng quá khích có ngày đi
theo bọn « làm loạn » vào tù sớm !
Đó là những câu mắng nhiếc rất thông thường mà gia nhân nhà Tổng
đốc Vi văn Định được nghe mỗi cuối tuần tại tư dinh của viên Tổng đốc
tỉnh Thái Bình. Những lời nghiêm huấn của cha dạy con : một thanh niên
còn hăng hái, cậu Vi văn Lê, con trai của Vi văn Định.
Vào khoảng 1929-1930.
Đất Bắc đang sôi động với phong trào khởi nghĩa chống Pháp. Các hội
kín bị tan vỡ, những tay sai của thực dân như cỡ Vi văn Định trong giới
quan trường, thi đua đàn áp các phần tử chống Pháp. Họ cúc cung tận tụy
với « quan thầy » và không bỏ cơ hội nào tỏ tình khuyển mã với « Mẫu
quốc ». Thậm chí họ muốn un đúc con cái theo đúng cái khuôn mẫu trung
thành của họ nữa. Tổng đốc Vi văn Định muốn cậu con trai của y sẽ thành
một vị « quan lớn » cũng như mình để vinh thân phì gia hơn mình gấp bội :
Con hơn cha là nhà có phúc mà !
Nhưng cậu cử Lê sau mấy năm ăn học ở Pháp, tiêm nhiễm những tư
tưởng dân chủ, dân quyền, đâu có chịu uốn nắn thân mình trong khuôn mẫu
của phụ thân, một tên « sâu dân mọt nước » đã lừng tiếng về lối tra tấn dã
man bằng một cái chầy sắt.
Đáp lại lời mắng nhiếc của cha, cậu cử Lê thẳng thắn nói rõ ý nghĩ của
mình :