Hay tác giả vì là bực tu hành, vì là nhà luân lý chỉ nhắm cái thiện, còn ai
hiểu lầm mình không cần biết tới. Hiểu lầm hay hiểu đúng gì thì kết quả
không hay cũng xảy đến cho Fénelon. Cuốn Tê-lê-mạc lại xuất bản ngoài ý
muốn ông, trúng lúc ông bị Tòa-thánh kết án về vụ Ái-tính thuyết. Người
sao chép Tê-lê-mạc xuất bản sách không có tên tác giả, dĩ nhiên là không
được phép tác giả. Sách bị cấm ở Pháp mà thành công vĩ đại ở Hòa-Lan.
Đến 1717, Bá-tước Fénelon, cháu của tác giả mới chính thức xuất bản đầu
tiên. Họa vô đơn chí thật: nhà vua bất mãn cuốn Tê-lê-mạc đến cao độ và vì
đó ông bị thất sủng luôn đối với triều đình.
4.- Cho riêng cá nhân Fénelon thì còn đặt vấn đề châm biếm hay không
châm biếm, chứ cho độc giả hay cho Công-tước Bourgogne thì cuốn Tê-lê-
mạc là một tác phẩm giá trị từ văn chương đến tư tưởng. Nó là một thứ"tản
văn thơ" trừ vài khuyết điểm có thể tha thứ được như đôi chỗ kéo dài lướt
thướt, lặp đi lặp lại. Trừ khuyết điểm ấy, nó là một tác phẩm gần như duy
nhứt của nhân loại dùng vốn cổ học, cập nhật hóa nó, rút ra vô số bài học
sâu sắc và trình bày bằng giọng văn vừa du dương vừa cao nhã.
Tóm lại, sau khi phân tích các tác phẩm mà Fénelon soạn để dạy môn
sinh của ông, ta thấy Công-tước Bourgogne mà được một tôn sư như
Fénelon quả thực có phước.
Gần hai thế kỷ trôi qua, bực thầy như vậy ngày nay vẫn thấy còn khó
kiếm. Fénelon vì thương trò mà bị dòng họ của trò thù oán. Bị thù oán chỉ
vì muốn cho dòng Vua họ Chúa ấy có kẻ nối ngôi. Vua cho ra Vua, Chúa
cho ra Chúa. Chỉ vậy thôi. Khả năng như Fénelon, dạy 3 Công-tước bộ óc
còn bằng vỏ sò vỏ hến như vậy mà ông bỏ công phu soạn sách vở để dạy.
Sách có cuốn trở thành bất hủ nữa. Ta nghĩ sao?
Ở thời đại ta, trong nước ta, nhà giáo dạy học soạn bài thế nào? Dạy
nhiều trường quá, vật giá cắt cổ quá, kẹt công vụ nhiều quá, bận tư vụ điên
đầu, nhà giáo còn đủ yên tâm, thời giờ ngồi soạn bài kỹ lưỡng không? Giáo