d) Thầy ông bàn ra vụ vô Hàn-lâm-viện. Ông làm đơn xin làm ông Hàn.
Tuy không còn cửa hậu để xin phiếu song trước khi vào ngồi thay ghế của
Roumic ông đã giao du, thăm viếng nhiều cụ Hàn và nhờ đó ông đắc cử.
e) Thầy ông lái ông trớt vụ thi vào Cao-đẳng Sư-phạm nghĩa là không
muốn ông gõ đầu trẻ. Mấy chục năm trước khi qua đời ông đi diễn thuyết
khắp Âu-Mỹ nghĩa là không gõ đầu trẻ thì ông dạy người lớn.
2.- Sao mà thương thầy quá không biết:
Đọc tác phẩm của Maurois, ta thấy tình của ông đối với tôn sư đằm
thắm, ngọt ngào làm sao? Ngoài những trường hợp ông nói ra lộ liễu đại
khái như: Alain bảo tôi như vậy, Tôi tin Alain, Tôi nghe lời Alain, Alain
không muốn tôi làm như vậy, ngoài các trường hợp ấy, ta còn thấy ông tỏ ra
thương thầy chí tình ngay trong những trường hợp ông cãi lời thầy ông.
Nhiều lần ông thành thật hối hận vì đã không làm Balzac thứ hai như thầy
ông bảo. Viết tiểu sử trở thành quán quân vô địch mà ông tự thú không viết
được tiểu thuyết xuất chúng cho thầy vui. Có thể nói Maurois cãi thầy trong
thể cách áp dụng lời khuyên thôi chứ nguyên tắc, ông giữ đúng. Không nhất
thiết làm chủ hãng dệt để tiếp xúc với các hạng người, ông lựa môi trường
khác, môi trường quân đội, du lịch xứ người chẳng hạn. Không nhất thiết
đẻo chữ mài câu như tác giả Le Rouge nhưng văn của Maurois ai cũng nhận
là điêu luyện cao độ. Không nhất thiết phải viết bộ Trò Đời thứ hai như
Balzac, song đọc toàn bộ tác phẩm của Maurois, ai cũng phải nhận là một
thứ trò đời bao la và nhiều chỗ còn dặm thêm hương vị của bộ Hài kịch
thánh (Comédia Divina) của Dante nữa. Quí báu nhứt là ông tỏ ra thường
thầy bằng cách tổ chức đời sống, tổ chức làm việc y như thầy. Không ai gọi
ông là thánh nhân nhưng thực không quá lố khi nói ông là quân tử, là thiện
nhân của thế kỷ 20.
3.- Chỉ một câu của thầy mà trò xây Kim-tự-tháp ngó trật ót.