chứa 4 nguyên tắc mà 2 là của Alain rồi. Nguyên tắc hoạt động và nguyên
tắc tin tưởng ý chí. Hai nguyên tắc nầy Alain đã nhét vào tim óc Maurois lối
60 năm về trước. Trong chương hướng dẫn thanh niên đọc sách, Maurois
giới thiệu mấy lố danh sĩ Đông Tây Kim Cổ nhưng vẫn không quên Thầy
ông. Ông còn cắt nghĩa rằng Thầy ông khó đọc mà đọc rồi thì hay tuyệt,
rằng chính nhờ thầy ông mà ông hiểu được những ông hoàng trong làng
triết. Ông còn quyết liệt nói nếu thầy ông đã bắt Balzac đầu thai trong ông
thì ông xin Alain nhập cốt trong thanh niên. Còn ai tán tụng Thầy một cách
vừa trung thành vừa sáng suốt hơn nữa không bạn?
b) Không phải lo khuyên thiên hạ mà chính ông lo sống theo Thầy ông.
Bạn dư biết Alain là một triết gia phủ nhận mọi thứ chức vị trong xã hội.
Hồi bị động viên, Alain chỉ là một sĩ quan quèn trong khi có khả năng giáo
sư đại học và triết gia tên tuổi. Suốt đời Alain từ chối tuốt hết các chức
quyền cao, các danh dự nhà nước dành cho ông. Ông ghét Mérimée rồi ghét
luôn tác phẩm của danh sĩ nầy chỉ vì Mérimée làm Thượng-nghị-sĩ. Có phải
ông trùm chăn quá khích không? Có người trách ông yếm thế và không dấn
thân. Nhưng Alain có cái lý của ông là theo ông phải có một số người sáng
suốt ở ngoài chế độ để giám thị, coi chừng nhà cầm quyền. Ông hoan
nghênh ai hy sinh cho đại cuộc lắm nhưng vào chính quyền thì đừng làm
bậy. Cái tinh thần dứt khoát ấy ông gài đâu tận óc tim Maurois. Càng về
già, Maurois càng chủ trương, càng sống như vậy, bạn thử coi ông có phải
là Alain thứ hai không. Ông nhốt ông trong thư viện gia đình. Ông đóng
đinh ông trên bàn viết. Ông chửi bọn vô cớ đến thăm ông để ăn cắp thời giờ
của ông. Ông chửi luôn độc giả nào không quen ông mà viết thư kèm tem
bảo ông trả lời. Ông bảo bạn và tôi trốn chốn thị thành phồn hoa mà viết
lách trong cảnh một mình một bóng. Ông còn tuyệt đối ở chỗ bảo đi thăm
nhà xuất bản, chủ báo là phí thời giờ. Quyết liệt nhứt là dẹp ngoài tai hết
các lời khuyên của tình nhân, kể cả của vợ nếu thấy hại cho nghề viết. Ghê
thực hả bạn? Vậy hay hay dở tùy bạn liệu. Mà đúng là Maurois sống như
thế đó. Cả đời ông nhờ vậy mà dựng Hi-mã-lạp-sơn bằng tác phẩm rồi đứng
heo hút một mình cô quạnh trên đó một cách khoái trá.