6) Luật tri ân: Trò trọn đời biết ơn thầy. Thầy không nhớ ơn trò sao nếu
trò thể hiện được chí nguyện mà vì lý do nào đó thầy không đạt được.
F.- Về mặt hành động:
7) Luật hữu hiệu: Thầy phải dạy những gì thiết dụng và thể cách áp
dụng sao cho đắc lực. Trò học rồi phải hành, phải ứng dụng vào đời sống
thực tế.
Đấy! Thưa bạn, cái gọi là Triết lý tình sư đệ, đại khái gồm tối thiểu 7
định luật nền tảng đó. Toàn là những định luật không có gì mới lạ. Chúng
ẩn tàng trong vấn đề thầy trò từ xưa đến nay và mãi mãi. Ở đâu nghe thầy
trò lủng củng với nhau là một vài luật ấy bị vi phạm.
Chẳng hạn, thầy bị trò khinh vì dạy dở đó là vì thầy không tôn trọng luật
khả năng. Còn lỗi luật nào mà trò bị thầy trách là dạy trối chết song cứ ngu
si đần độn? Cũng luật khả năng bị chà đạp chứ gì? Thầy bị trò khinh vì tác
phong bê bối: đó chẳng phải là luật tư cách bị vi phạm sao?
Ở đâu mà thầy trò làm việc đắc lực, giáo dục êm đẹp, là ở đó đa số hay
toàn thể 7 định luật trên được áp dụng. Tuy gọi là tình thầy trò, thuộc về cái
gì thiêng liêng, tình cảm, không thể quan niệm máy móc được, song trong
thực hành nó gần như máy móc. Nghĩa là hễ thực hiện đúng 7 luật tối thiểu
trên thì Tình Thầy Trò nếu không khả quan cũng không đến đỗi tệ. Làm
ngược lại là nó trả đũa ngay. Trước khi là một nghệ thuật nghĩa là được áp
dụng tuyệt xảo do bẩm phú hay do điêu luyện cao độ, thì nó là một kỹ thuật
nghĩa là hễ theo nguyên tắc đúng, phương pháp tốt, điều kiện cần và đủ thì
đương nhiên có kết quả tốt.
Nếu sánh thầy với trò về phương diện ai phải giữ các định luật trên hơn
thì người ta nói ngay: Thầy. Thầy phải chịu lép hơn trò ở chỗ quyết liệt thể
hiện Tình Thầy Trò hơn trò. Đành rằng trò cần Thầy hơn Thầy cần trò song
đó là nói nguyên tắc, chứ về mặt thực hành nếu muốn giáo dục hữu hiệu thì