Nói đến Đức Khổng-Tử, người ta nói liền:"Chánh trị gia hiền triết". Còn
nói đến Đức Giê-Su, ai cũng nghĩ ngay: "Thánh-Đức".
Suốt ba năm truyền giáo, Thầy Giê-Su biểu lộ cho các trò của mình một
tấm gương sống Thánh-Đức đến mức độ không thể trách được khuyết điểm
nào hết. Sự Thánh-Đức ấy đặt nền tảng gắn liền nơi Thượng-Đế. Điều nầy
làm cho Đức Giê-Su khác hẳn hết các giáo tổ của nhân loại. Sự Thánh-Đức
nếu được phân tích kỹ, ta thấy nó diễn lộ ra bằng các hình thức sau đây:
a) Thanh khiết: Độc thân trọn đời. Tuyệt đối không ai có thể tìm được
nơi đời tư của Đức Giê-Su một tì vết nào về vấn đề nam nữ.
b) Lương tâm thủy tinh: Từ sinh ra trong hang lừa máng cỏ bẩn tiện đến
chết thê thảm trên thập giá, Đức Giê-Su biểu lộ một lương tâm trong trắng
nhứt, sáng ngời nhứt của nhân loại. Không thể đặt vấn đề tội lỗi, ác tâm, tà
ý nơi Ngài, từ tư tưởng, ngôn từ đến hành vi, cử chỉ hay thái độ.
c) Tỉnh tâm cầu nguyện: Ba mươi năm ẩn dật của Đức Giê-Su là một
kinh nguyện chuẩn bị cho ba năm Ngài truyền giáo. Rồi trong ba năm
truyền giáo, là triền miên tỉnh tâm, liên tục cầu nguyện, làm việc gì rồi là
rút lui vào thinh lặng cầu nguyện. Trọn vẹn 33 năm trên đường trần của
Đức Giê-Su là một bài kinh nguyện dâng lên Thượng-Đế.
d) Thanh bần: Sinh trong chuồng chiên, chuồng bò. Trước khi truyền
giáo làm thợ mộc với nghĩa phụ. Suốt ba năm hoạt động toàn lo gieo rắc
chân lý chứ không thấy tính lập cơ sở sinh lợi lộc gì. Tuyển chọn toàn đệ tử
bần cố nông. Lúc đi giảng đạo rày đây mai đó, hết ngủ trọ nhà nầy đến tạm
trú đồi núi, bờ sông, bãi biển kia. Có lần Ngài nói: "Chồn còn có hang,
chim còn có ổ, còn tôi không chỗ nào nương thân hết". Đến lúc chết có 2
cái áo: một thì bọn lính chia làm bốn, một thì bắt thăm. Sinh trần truồng
chết trần trụi.