- Bà nội, bà tàn nhẫn thế! Cháu đã như thế này rồi mà bà còn nhẫn tâm
kéo cháu đi làm vật hy sinh? – Văn Hạ nằm trên sofa, trán đắp chiếc khăn
lạnh, miệng thở phù phù ra hơi nóng.
- Không có cháu thì còn ý nghĩa gì chứ? Bà Vương và bà Lý ở tầng
trên đều bảo gọi cháu đến. Bà nghe mẹ cháu nói, cháu lại thôi việc rồi hả?
Cháu đến đây đánh mạt chược với bà hằng ngày đi, bà sẽ trả lương cho
cháu. – Bà nội nói câu này thật trượng nghĩa, mới sung sướng làm sao. Bà
nội chưa bao giờ phải trải qua những tháng ngày vất vả. Trước kia, bà nội
là tiểu thư nhà khá giả. Sau khi lấy chồng, bà trở thành phu nhân. Cuộc đời
bà chưa từng nếm mùi vất vả. Văn Hạ luôn lấy bà nội làm mục tiêu cố gắng
của mình.
Tô Mạch từng nói, bao nhiêu năm nay, anh chưa từng thấy bà nội nấu
một bữa cơm bao giờ, đều là ông nội chăm sóc bà. Thế nên, sau khi ông nội
mất, bà nội như rơi xuống tận cùng vực thẳm đau khổ. Thấy bà vui vẻ như
bây giờ, Văn Hạ càng cảm thấy người đàn ông của mình thật có hiếu.
Người đàn ông yêu gia đình mới yêu cô. Đây cũng là một trong những lý
do mà hồi đó cô đã bất chấp tất cả để theo anh.
Nằm một lát, Văn Hạ thấy khá hơn chút liền bị bà nội kéo lên tầng
trên đánh mạt chược. Mấy bà nghe nói Văn Hạ đến thì đều chào hỏi rất
thân mật, cô bé mập, cô bé mập. Ông bà của Văn Hạ mất rất sớm nên cô rất
trân trọng tình thương yêu của những người bà này. Họ thật lòng quan tâm
đến cô, để cô cảm nhận được sự nồng nhiệt của thành phố xa lạ.
Căn phòng vang lên điệu hát kịch Hoàng Mai vở Nữ phò mã đan xen
với tiếng lào xào của các quân bài mạt chược, còn cả tiếng than thở não nề
của Văn Hạ nữa. Lại thành pháo thủ. Tô Mạch đi đến đâu cũng dành cho
Văn Hạ biệt hiệu “Tiểu pháo thủ cờ đỏ ba tám”. Thực ra, Văn Hạ cũng
không đến nỗi kém cỏi như vậy. Có điều, chơi với các bà để các cụ vui thì
đến bài hát tiếng Anh của cô cũng biến thành điệu kịch Nữ phò mã . Cô
cảm thấy mình thực sự được quay lại mười mấy năm trước.