cúi đầu kính cẩn nghiêng mình trước vong linh những người yêu nước.
Trong giá rét căm căm, gió đông vi vút, tiếng đàn rền rĩ nỉ non thay tiếng
lòng khóc thương những người nằm đó. Nhiều người nước mắt rơi lã chã .
Đoàn chúng tôi đi lên trại giam Nhà Tiền (sau này là nhà máy in Tiến
Bộ). Thời đó vùng này còn hoang vắng lắm, ở ngoại thành rồi. Sau khi
trình giấy tờ hợp lệ với viên trưởng trại, chúng tôi nối đuôi nhau mang qùa
bánh qua trước mặt tên lính gác để vào trong. Mới qua khỏi một bức tường
đã thấy không khí tù đầy chết chóc lảng vảng khắp nơi. Mùi hơi người nặng
nề nồng nặc xộc lên. Chúng tôi tưởng tượng ra không khí mệt mỏi, chết
chóc, nghi ngờ, sợ sệt, thờ ơ chờ đón mình. Nhưng mọi điều trái ngược
hẳn. Trong khuôn viên một cái sân nhỏ có rào kẽm gai bao quanh, nhiều
người tù đã đứng túm tụm nhìn chúng tôi với vẻ vừa dò ý vừa muốn thử
thách. Vị giáo trưởng vừa nói mấy câu về mục đích của đoàn thì một người
tù lớn tiếng như thách đố:
- Đánh được Bài ca chiến sỹ Việt Nam không?
Tiếp theo là nhiều tiếng vỗ tay hưởng ứng.
Mấy anh em chơi đàn hơi lúng túng vì bài này không trong chương
trình chuẩn bị. Nhưng ở lứa tuổi chúng tôi lúc đó, mấy bài ca tháng Tám
hào hứng khí thế mấy ai không biết. Anh Phạm Đức, người chỉ huy của ban
nhạc hợp thành vội vã lèo tèo có mấy đứa thôi, đưa mắt nhìn tôi. Rất tự tin,
cùng lúc anh búng vào cây đàn guitar, tôi nâng đàn lên tỳ trên vai… Tức thì
phát ra những âm điệu hào hùng quen thuộc… Mọi người nhìn theo tay đàn
của tôi miệng lẩm nhẩm hát theo “Bao chiến sỹ anh hùng / Lạnh lùng vung
gươm ra sa trường / Quân xung phong nước Nam đang chờ mong tay
ngươi / Hồn sông núi khí thiêng ghi muôn đời”… Tiếng hát to và mạnh dần
lên như lời thúc giục càng tiếp thêm khí thế. Những người tù và những
người đến thăm họ đều đứng sát vào nhau nghiêng ngả theo tiếng nhạc lời
ca. Khi bài hát kết thúc với câu: “Việt Nam… tranh đấu… chống quân
ngoại xâm” thì mọi người như bừng tỉnh nhìn nhau tin tưởng. Không khí
trộn rộn hẳn lên. Có nhiều tiếng hô to cùng một lúc :
- Diệt phát xít… Diệt phát xít đi !