“cha già dân tộc” chớ sao có sự ngược đời! Tôi ấm ức mãi trong lòng. Sau
tình cờ đọc mấy câu thơ của Chế Lan Viên: “Quanh Hồ Gươm không ai
bàn chuyện vua Lê / Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ / Hiểu sao hết
được tấm lòng lãnh tụ / Tìm đường đi cho dân tộc đi theo”, tôi mới thấm
cái tình đời.
Chúng tôi vẫn được học hành, được vào Đội thiếu niên quàng khăn
đỏ, được nhảy múa những điệu mới lạ: mí đồ đồ đồ phá mí rê / rê đô sì đô
rế sòn sòn… hoặc là: sol sol sol đố sol / sol sol sol đố rê / rê rê rê mí sì
rê… nhộn lắm, được hát hò ca ngợi Bác, Đảng, các anh bộ đội và lao động
vinh quang, được học tập giác ngộ thế nào là giai cấp phản động và tiến bộ,
là xã hội chủ nghĩa ưu việt – không người bóc lột người, tiến tới xã hội
cộng sản “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” và mơ ước được như
Liên Xô – thiên đường hạ giới… Chúng tôi tin đang được sống trong một
xã hội tốt đẹp nhất của lòai người mà “người lao động làm ông chủ”, giới
quan quyền xưa đã bị lịch sử chôn vùi, thay vì là những “cán bộ như người
đầy tớ trung thành tận tụy”. Tương lai thanh niên nam nữ sẽ như những
ông hòang bà chúa. Bấy giờ mới vỡ ra rằng cái khu biệt thự tây kín cổng
cao tường kia là hang ổ của những tên thực dân đầu sỏ và bọn Việt gian
trùm sò! Cái trường tây mang tên một thằng thực dân chóp bu chuyên đào
tạo ra những kẻ tay sai mẫu quốc nói tiếng tây thạo hơn tiếng mẹ đẻ, nay là
cơ quan đầu não của Nhà nước nhân dân kiểu mới!
Hai năm sau ngày giải phóng, chúng tôi được học theo hệ phổ thông
10 năm, nói là theo chương trình của Liên Xô. Thì biết vậy! Trước kia Tiểu
học cho hệ điểm 10, Trung học cho hệ điểm 20, nay theo Liên xô cho hệ
điểm 5, được thầy giải thích là gọn mà chuẩn. Chúng tôi bảo nhau: 5 hay 10
cũng thế thôi – Dù 20 cũng chẳng khác gì!
Khi Đoàn thanh niên thành phố phát động trong giới học sinh – sinh
viên dấy lên phong trào Bài trừ văn hóa nô dịch, những sách cũ tây-tàu-ta
bất luận đều gom lại đốt đi hoặc đem nghiền thành bột giấy! Ông thầy dạy
nhạc Vũ Nhân thay thầy Thẩm Oánh đi Nam, sáng tác hưởng ứng một bài
phổ ra cả trường đều hát: “Thi đua bài trừ văn hóa nô dịch chúng ta nêu
cao gương đấu tranh tòan dân… Đốt phá cho bằng hết văn hóa suy đồi từ