bao lâu lũ đế quốc xâm lăng reo rắc sầu”… Thế mà ít lâu sau vắng bóng
thầy. Nghe tin thầy bị bắt đem đi đâu! Thầy nguyên là trung úy quân đội
quốc gia thì ai cũng biết nhưng không ai được biết thầy đã làm việc gì
phạm pháp? Chẳng biết có bị đưa ra trước tòa xét xử hay không nhưng sau
này nghe đâu thầy bị ngồi tù hơn chục năm mới được tha. Về nhà, nhờ thạo
mấy nốt sol-đố-mì-la cuối đời làm nghề dạy nhạc kiếm ăn nhẹ nhàng. Thầy
Lại Cang dạy Văn tôi gần suốt cả thời trung học. Thi tốt nghiệp trường Đại
học sư phạm đúng vào năm 1954, nhận giấy công vụ vào Huế dạy trường
Quốc học nhưng thầy ở lại nhận sự phân công của chính phủ kháng chiến
vừa về tiếp quản Thủ đô. Tuy nhiên đám học sinh đệ nhị cấp (cấp hai)
nhiều trường tư thục biết tiếng từ khi thầy còn là sinh viên đi “bán cháo
phổi”. Thầy đa tài, có ba bằng: Cử nhân Văn chương, Sử học và Triết học.
Ngòai ra thầy cũng giỏi cả Tóan học, Anh ngữ, Pháp ngữ và Hán ngữ. Thầy
viết nhiều sách khảo cứu văn học cổ điển rất công phu. Thầy kể khi viết về
Nguyễn Bỉnh Khiêm phải đọc cả triết học Trung hoa và Ấn Độ. Dáng dong
dỏng, da ngăm ngăm, tóc hớt cao, đôi mắt lim dim mơ màng sau tròng kính
cận dày cộp, mặc xuềnh xòang nhưng thầy giảng cuốn hút làm sao. Văn
học cổ điển, văn học lãng mạn ta tây, thầy truyền cái say sang trò. Có lần
thầy nói: Giữa giảng văn, bình văn, tán văn ranh giới rất mơ hồ. Làm sao
truyền được cảm hứng văn chương nghệ thuật cho người nghe mới là điều
cốt yếu. Tôi đến với văn chương khởi nguồn cũng từ những giờ giảng ấy.
Sau này, nghe về cái chết của thầy sao mà oan trái! Con người đa tài mà bất
lực trước thời thế. Trí lớn ngày một mỏi mòn dễ sinh ra trạng thái tâm thần
bất định! Tôi nhớ buổi giảng về Annakarênina, nét mặt thầy u ám. Cái tai to
buông thõng xuống của người chồng quan là nỗi ám ảnh suốt đời nàng tới
mức không chịu nổi! Và cái chết của người đàn bà đa đoan ấy có là tiền
định với thầy?
Tuy nhiên chúng tôi vẫn vui vẻ nhởn nhơ, không để ý tới những mối
lo toan phấp phỏng của cha mẹ do cuộc sống ngày càng khó khăn thắt ngặt
hơn. Những lần đi qua phố Hàng Đào, tôi để ý cái bảng hiệu nhà anh cùng
mấy lời chào: “Hàng tơ lụa – Bán buôn – Bán lẻ” đã thay bằng cái bảng to
tướng bề thế lắm đề: “Công ty bông vải sợi quốc doanh” mà chẳng thấy