nghĩ thế mà không thấy chung quanh người ta soi mói ai bạn ai thù, chỉ biết
sống theo những gì gọi là chân-thiện-mỹ, không biết phải uốn lưỡi giữ
mình, cứ nghĩ sao nói vậy nên dễ bị trù! Cái tội của mấy đứa xuất thân từ
giới học trò thành phố là kém về ý thức tổ chức và phát ngôn thiếu ý thức
chính trị, nên dễ bị xếp vào loại yếu kém quan điểm lập trường giai cấp!
Dần dà tôi mới nhận ra là thân phận kẻ học nhờ, phải biết nghe lời chỉ bảo,
giáo dục của Đảng, của Đoàn mà chẳng đâu xa, chính là những người ngồi
chung ghế cùng nghe thầy giảng với mình! Các anh chi bộ, các bạn chi
đoàn phân tích cho rằng làm thầy thuốc cũng phải có lập trường giai cấp.
Trước một người bệnh cũng phải phân biệt rõ bạn thù. Dù không thầy nào
giảng như thế cả nhưng chúng tôi cũng không biết hỏi ai. Về nhà thì cha
thất thế lạc hậu rồi! Đến trường thì các thầy đang bị rang trong cái chảo lửa
đấu tranh giai cấp nên chi cũng sợ trò! Giảng bài, lời nói hớ hênh, đều đến
tai tổ chức nhà trường, các thầy khó tiến bộ. Có thầy bị điều chuyển đi
không phải vì dạy kém! Để cho ra lò những sản phẩm đỏ thắm chuyên sâu,
cần những người thợ lòchuyên sâu đỏ thắm… Những từ Chân-Thiện-Mỹ
đã thành cổ ngữ!
Không ít các anh bộ đội, cán bộ bước chân vào đại học, cái vốn văn
hóa đa phần cấp một, giỏi lắm cũng chưa hết cấp hai, trước khi thi tuyển
vào trường có được bổ túc văn hóa vài ba tháng, rồi cũng đậu! Một số học
sinh thành phần cơ bản đang học cấp Ba cũng được đặc cách đưa lên Đại
học. Khi kiểm tra học phần đều được điểm cao bởi chưng các thầy cũng sợ
trò, trừ mấy ông thầy lớn đặc biệt thôi. Ra trường nhiều anh được giao lãnh
đạo hoặc giữ lại giảng dạy các bộ môn, không ít anh được du học trở về với
học vị và học hàm cao ngất nghểu. Câu kháo râm ran: “Việt Nam có chuyện
lạ đời / Chưa hết lớp mười cũng được giáo sư!” nghe được chỉ để bụng
thôi! Nền giáo dục đại học dễ dãi một thời khởi từ sự ban ơn phát lộc trong
sự học hành đã đi đến hậu quả dù học thật mà ra bằng giả, rồi là học giả
cũng cho bằng thật, khởi đầu từ một thời như thế!
Cái danh “viên chức lưu dung” cứ như cục đá cột vào cổ cha, cột vào
chân con không biết làm sao gỡ ra được. Cho đến lúc chết cha tôi vẫn đau