Việt tại giảng đường Đại học Đông Dương. Là một trong số những người
thầy xây dựng Trường Đại học Y khoa kháng chiến ngay từ những ngày
đầu. Cuộc sống ở chiến khu rất khó khăn, có lúc suy kiệt nặng tưởng không
qua khỏi, tổ chức dự định bí mật đưa về thành phố điều dưỡng nhưng thầy
thà chết chứ không chịu về vùng giặc chiếm. Kháng chiến thắng lợi, thầy
vừa giảng dạy vừa kiêm nhiệm chức Giám đốc bệnh viện Bạch Mai. Chúng
tôi ít được gần thầy ngoài một số giờ giảng đại cương chuyên khoa. Lúc ấy
ngành y không có chuyện hành nghề tư nhân, và các chuyên khoa sâu chưa
phát triển, sinh viên truyền tai nhau câu vè “Lai rai như Tai-Mũi-Họng”
không hấp dẫn số đông chỉ ham được theo ngành ngoại khoa đang rất hợp
thời. Đôi lúc thấy thầy trên hành lang lúc đi “visite” các khoa. Dáng cao to,
vượt cả cái đầu trong đoàn đông toàn các bậc thầy. Cái cằm dài lúc nào
cũng hước lên với cặp kính trắng gọng to, chân bước sải dài trông thật oai
phong. Câu chuyện thầy làm bác sỹ riêng của Bác Hồ trên chuyến tàu từ
Paris về nước là một vinh dự đặc biệt của người thầy thuốc Việt Nam, trong
giới y khoa trẻ già đều biết. Năm 1966, khi được tuyển đi B, thời gian chờ
đợi ở Ban Thống nhất trung ương, tình cờ tôi mới được biết chuyện người
con trai độc nhất của bà Nguyễn Thị Định được thầy trực tiếp cắt Amydale
lại gặp tai biến không may! Đó là phẫu thuật thông thường với một bác sỹ
chuyên ngành. Câu ví “cắt tiết gà dùng dao mổ trâu” đôi khi gặp sự cố oái
oăm, người hành nghề y lâu năm càng thấm!
Thầy Đỗ Xuân Hợp là nhà giải phẫu nhân chủng học đầu tiên của Việt
Nam mà các giáo sư Pháp cũng phải nể trọng về kiến thức, là người sáng
lập Trường Quân y sỹ thời đầu kháng chiến. Với sinh viên mới vào trường,
môn Giải phẫu học ly kỳ hấp dẫn nhưng lại rất khô khan xương xẩu. Thầy
bảo học trò tùy chọn một chiếc xương nhỏ của bàn tay hoặc bàn chân tung
lên. Liếc qua thầy nhận dạng và xướng đích danh làm mấy đứa Y Một
chúng tôi lớ ngớ phục thầy sát đất. Thầy cười hiền khuyên chúng tôi học và
hành phải tỷ mỷ và chính xác. Thầy vỗ vào một bên mông lép xẹp bảo thời
kháng chiến ở trong rừng, bị sốt rét, một học trò tiêm Quinofort chọc đúng
vào dây thần kinh hông to làm vị tổ sư môn giải phẫu định khu bị… thọt
một bên chân! Và thầy châm biếm: Đã mang lấy nghiệp vào thân / Cũng