đỏ đã là điều vinh dự. Khi cần thì ra đứng đường giữ gìn trật tự nhất là vào
các ngày lễ lộc, hô hào mọi người ra đường làm tổng vệ sinh, trong đó
mình phải xăng xái làm gương, đốc thúc bà con đi dự các cuộc họp ở tổ ở
phường và mình phải là người lo việc chuẩn bị và thu dọn. Nghĩa là làm
những việc của thằng mõ làng thời xưa !
Chẳng lẽ cứ đeo mãi nghiệp chướng này, tôi xin vào làm tạp dịch
trong các công trường thanh niên lúc đó như nghĩa trang Mai Dịch, hồ Bảy
Mẫu, đường Thanh Niên. Điều làm tôi khổ tâm là ở đâu cũng gặp các bạn
học thời phổ thông với mình nay đang là sinh viên các trường đại học đi
tham gia lao động ngày thứ bảy cộng sản chủ nghĩa mỗi tuần. Tuổi trẻ
nhiều sỹ diện. Gặp bạn cũ tôi thường tránh xa. Nếu bất ngờ đối diện, tôi
quay mặt đi tảng lờ không thấy. Có đứa nào nhận ra gọi tên, tôi tái mặt đi
ngượng ngạo ỡm ờ, không bao giờ nhìn thẳng vào người đối diện vì nghĩ
rằng nó muốn trêu ngươi!
Không chịu nổi cảnh như là bị hắt hủi mà anh em ngày một lớn cứ
quanh quẩn nhìn nhau, cha mẹ càng nẫu ruột, tôi thử làm cuộc đổi đời, theo
mấy người cùng phố rủ đi làm công nhân nông trường chè mãi trên Đoan
Hùng – Phú Thọ, xứ rừng cọ đồi chè hẳn không như người làm ruộng chân
lấm tay bùn. Tôi từng xem điệu múa Hái chè bắt bướm đẹp qúa, lại được
tới nơi “núi rừng âm u, bãi dài lau thưa, sóng vàng sông Lô, xóm làng mờ
biếc một màu khói thu”… là nhẹ bước lên đường. Ở đây đằng đẵng một
năm trời cùng với những tháng năm về sau, tôi nhận ra một điều là ở nước
mình làm nghề nông khổ nhất! Cuộc sống vui ít buồn nhiều với những trăn
trở về tương lai bất định, tôi dốc ra trên những trang nhật ký. Đây là chuyện
đời riêng, người khác tình cờ bắt được cũng không nên tọc mạch và những
dòng chữ ấy cũng như tôi chẳng có tội tình gì. Nhưng sao mọi người cố ý
xa lánh như tôi mắc một bệnh lây nguy hiểm dù tôi chẳng là kẻ chây lười
hoặc hay gây gổ mà anh em sống chung một đội, cùng làm một công việc,
cùng ngủ chung trong một căn nhà lá tuềnh tòang mùa đông gió hun hút
lạnh? Tôi càng thấy lẻ loi cô đơn và nghĩ đời mình thật là vô vị! Một buổi
chiều, anh đội phó bảo tôi cùng đi ra xóm dân mua mấy thứ cần. Nhưng
anh dắt tôi đi mãi trên con đường mòn dần tối, hỏi tôi nhiều chuyện gần xa