Tôi thương em và nỗi đau cứ ngấm ngầm mãi. Gia đình coi cái chết
của Bé Hai là do thằng giặc cũng như có đứa nào trong đám chúng tôi lỡ
chết, và tình cảm với chúng tôi vẫn nặng. Càng đau hơn khi đất nước hòa
bình thống nhất, chúng tôi làm thủ tục xin truy phong liệt sỹ cho em mà
không được. Ông cán bộ chính sách bảo: Có vậy mà hưởng liệt sỹ thì xã
này, huyện này, tỉnh này hàng tỷ! Tôi buồn nhưng tự an ủi: Nhờ có hàng tỷ
tỷ người hy sinh âm thầm như thế mà đất nước này, mới có hôm nay.
Ngày hòa bình, cử chỉ ăn mừng đầu tiên của chú là mài con dao thiệt
bén, dọn sạch bộ râu rễ tre đi. Bà xã coi cái mặt chồng phẳng lỳ, láng o, cằn
nhằn:
- Đàn ông không râu... kỳ hợm!
Ông tợp cạn ly rượu, cười khà:
- Vì thằng giặc nó bắt tui sớm già, bà cũng phải già sớm theo tui. Giờ
tui được trẻ lại thì bà cũng phải nghĩ làm sao chớ!
Bà vợ “hứ!” nhìn ông… Rồi cũng xuôi.
Bây giờ ở tuổi bát tuần, râu tóc trắng như mây, da mồi, quắc thước.
Xem chừng tôi còn thua ông. Tuy ít gặp nhưng lòng vẫn nghĩ về nhau như
trước.
Chúng tôi hàn huyên nhiều chuyện. Chú biểu cánh già nói chuyện vui
thôi, chẳng sống đời ở kiếp mãi được, chi bằng vui cho khoẻ. Cuộc đời là
của lớp trẻ, chúng khôn hơn mình nhiều... Mà vòng vo sao lại đụng vô cái
chuyện… lúc đầu tưởng là bâng quơ, nhưng càng nói càng buồn, muốn
lảng đi không được.
- Nhân đây tui hỏi chú chuyện này... có lạ không?
Đấy là mào đầu câu chuyện về mấy bức tượng người ta đang muốn
dựng lên ở xứ cù lao dừa nổi tiếng của đồng bằng Nam bộ.
- Không dưng hạ bệ, giờ lại dựng lên! Bà con tui chỉ biết cười! Thiệt
tình là cười đấy mà không biết vui hay buồn? Người nhà quê chúng tôi ít
học. Nghe người nói ý này, ý khác… Mà người xưa thì khuất lâu rồi, người
nay lại bảo nói có sách, mách có chứng hẳn hoi, làm rối tung lên! Chú được
học, lại ở thành phố quen nhiều, hiểu rộng. Vậy ý chú sao?