chẳng thèm chơi với mình đâu. Như ở ta, họ cứ trương cái tượng lên thì chú
tính sao?
- Thì đành chịu chớ sao! Cái lực trong tay kẻ có quyền mà.
- Nhưng bụng chú nghĩ sao?
- Nếu những lời góp ý đó là đúng, thì tui tin người ta sẽ suy nghĩ lại.
Chẳng vội vàng gì. Tại sao mấy tỉnh bên cũng dựng tượng những ông
Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ khoa Huân… cả nước phấn khởi
đồng tình, thì ta phải nghĩ lại xem. Chẳng lẽ họ phá mình sao? Người xứ tui
nhất nhân tâm lắm chớ, không ăn ở hai lòng đâu. Chuyện này, chính tui
mục sở thị từ thời còn niên thiếu…
Ông già tợp miếng nước, mắt nhìn xa xăm, chậm rãi như kể chuyện cổ
tích:
- Ngày Cách mạng mùa thu tưởng xa mà gần, vì tui vẫn nghĩ như nó
xảy ra mới hôm nào. Xứ Nam bộ này chỉ được hưởng độc lập chưa đầy
tháng thì quân Pháp đã chiếm lại Sài Gòn, rồi đánh lan ra các tỉnh. Đánh
đến đâu, chúng lập ngay chính quyền tay sai đến đấy. Thời nào chẳng có kẻ
sẵn sàng theo giặc. Đã có tiếng, lại có miếng. Nhưng đó là hạng người nào?
Chắc chắn không phải là những người hiền lương tử tế hoặc là những người
có học mà cương thường khảng khái. Ở huyện quê tui lúc ấy có ông Lâm
Thiên Tứ, nhà giàu lắm, hồi trẻ du tây học, mang về cái bằng tú tài nhưng
ông chỉ để trong tủ chơi thôi, không ra làm quan chức gì. Bà con miệt vườn
tín nhiệm lắm vì ổng rành luật pháp, hay bênh vực đồng bào. Tên quan
Pháp chủ tỉnh kêu ổng lên, giao cho chức quận trưởng để lấy uy cho cái
chính quyền nó dựng lên. Ổng lắc đầu. Nhiều lần dụ dỗ không được, chúng
giao cho đồn binh đóng ở huyện bắt ổng và người con trai lớn là Lâm Thiên
Trường, cột hai cha con vô cọc giữa chợ huyện và ra lệnh tối hậu: – Một là
nhận làm quận trưởng! – Hai là bắn bỏ ráo cả hai! Ông Tứ thà chết với con
chớ nhất định không chịu làm tay sai cho giặc!
Ông già ngậm ngùi, không cần giấu hai dòng lệ tuôn ra. Tôi chia sẻ
cùng ông. Giọng ông rành rọt:
- Người miệt vườn tui là thế đấy!
Ông chiêu ngụm nước như nuốt đi cục giận: