- Đấy mới là tấm gương để cho lớp hậu sinh lớn lên mà học! Còn thiếu
gì tấm gương sáng láng. Xứ tui tướng lĩnh, văn nhân đâu ít? Mà trách chi
dưới tỉnh… Tui nghe nói ngay giữa thành phố Hồ Chí Minh đây cũng đã
một ông được gán tên trường? Lại thuê được một ông thầy có tiếng, có
danh, làm Hiệu trưởng mới độc chớ! Người này làm được, người khác cũng
làm theo. Vậy lỗi ấy bởi ai?
- Bây giờ người ta muốn hòa hợp.
- Mới đây thôi, tên trưởng bót Vàm đó, chú nhớ chớ, ở Mỹ về thăm
quê. Hắn đi qua cổng, bộ ngó lơ, tui kêu vô nhà, mời nước. Hắn giả đò xin
thắp nén nhang lên trang thờ, ông bà tui hắn biết, nhưng là để có cớ thắp
nén nhang trước tấm hình con Bé Hai. Nói chuyện một hồi, hắn biểu: “Xa
quê mới biết thế nào là quê, chớ không nói ra được. Giá như làm được điều
tốt cho xứ sở mình thì hay qúa. Nhưng bây giờ lực bất tòng tâm, có về cũng
chẳng làm được gì, càng buồn. Thôi đành gởi xác xứ người!”. Tui hỏi:
“Sao nghe bển mấy ông còn dựng cờ vàng ba sọc thề phục quốc?”. Hắn
biểu: “Phục hận chớ phục quốc gì! Kể ra thì cũng không ít người ôm hận,
không dưng mất ráo”! Tui biểu: “Hận chi? Số có của quyền thế nhờ thời
được mấy! Số nữa thì chú đã biết! Như tui thấy thiếu chi đứa chữ nghĩa gì
đâu, nghèo mạt, chẳng biết mần chi, liều mạng theo người ta lao ra biển,
may mà thoát chết, qua bển đặt điều thù hận oan ức lắm”! Nó biểu: “Về
mừng thấy quê hương khá lên nhiều nhưng vẫn còn...” mà không dám nói
ra. Tôi biểu: “Thiếu chi chuyện, có chuyện tức ứa gan à! Mà chuyện nhà
chừng nào hết? Nhưng dân mình giờ chẳng ngu gì lao vô cảnh nồi da xáo
thịt đâu”! Ý chừng nản, hắn chép miệng: “Lúc quân sỹ súng ống lẫy lừng
làm chẳng nên chi, giờ sắp theo ông bà rồi, con cháu biết đâu chuyện cũ,
ngãng ra, huống chi người dưng”! Nghĩ sao, lúc đi hắn tới chào tui, ngập
ngừng, lưu luyến. Nghĩ cũng tội, gần mãn đời rồi, còn dịp nào nhìn lại quê
hương? Đau đớn mấy cũng qua rồi. Còn hờn oán nhau làm chi nữa. Nhưng
hòa hợp là phải thiệt lòng. Ai đem cục mồi ra nhử là đồ vô lương! Ai ham
cục mồi như con cá đói rồi sẽ mắc câu! Không bền lâu được. Hòa hợp là để
cho quê hương mình khá lên, cho tình làng nghĩa xóm đằm thắm hơn, cho
lẽ phải sáng ra, chớ đâu để cho vàng thau, trắng đen lẫn lộn…