- Người ta còn đòi đổi mới nhiều thứ kỳ lắm! Ngay cái gọi là yêu nước
cũng nghĩ theo kiểu mới… Đánh giặc bảo vệ quê hương chưa chắc đã là
cần thiết! Theo giặc mà gọi là hợp tác để khỏi chết, có cơ làm giàu, biết đâu
là sáng suốt!... Anh nào cũng lý sự sùi bọt mép, chẳng chịu ai.
Ông già đỏ mặt lên nhưng mau đằm lại:
- Nhà nghèo mới biết con có hiếu. Nước loạn mới biết tôi trung. Lọt
hom rồi mới biết thân cá nằm trong rọ! Có ai dại nuôi con cá bự đâu? Họa
là ba con cá sặc màu mè, được thả vô chậu nuôi chơi qua ngày. Người ta
lúc hoạn nạn mới biết rõ ai lòng dạ nông sâu, ai chính, ai tà, ai tốt, ai xấu, ai
dũng, ai hèn… Còn cái lúc yên bình, thằng nào mạnh mồm nói dóc, lại có tí
của chìa ra, khối đứa hùa theo! Đời tui thấy rõ từ các ông bạn Tàu, bạn
Pháp, bạn Nhật tới bạn Mỹ rồi! Chú biết, cảnh nhà tui neo đơn lo ăn còn
cực, sức đâu ham quan tướng, không cầm súng theo bên nào con tui vẫn
chết!
Ông già ứa nước mắt ra. Nhớ chuyện xa xưa, lòng tôi cũng không cầm
được. Giọng ông trùng xuống:
- Ai mới gì thì mới, tui vẫn cũ mèm. Tui biểu con cháu điều gì thấy là
mình sai thì sửa, chứ đổi mới cái gì? Chú xem như cái vườn của tui hồi các
chú đóng quân ở đó, không dưng nghe người ta xúi, mình bỏ công đào lên
làm đìa nuôi tôm. Tưởng hay thành dở! Thằng khôn chẳng theo mình, học
ai bơi đất trồng bưởi da xanh, giờ lại bày chuyện lai trái tạo hình, ép chữ...
làm chơi mà ăn thiệt, còn dư vốn cho mình mượn quay lại từ đầu… Đồng
tiền có chân đấy, nó chỉ chạy đến với kẻ khôn thôi. Không ai dụ được nó
đâu. Chỉ có người mới bị đồng tiền dụ thôi. Cũng như chuyện mấy cái
tượng này…
Tôi cùng một ý với ông:
- Giá như ai đó bỏ tiền bỏ của ra đúc tượng vàng, tượng bạc gì cũng
được, đem trưng trong vườn, trong “dzuông” hoặc trong nhà thờ gia tộc họ
đi. Ai nghe danh muốn xem mặt rành tên mặc sức đến.
Ông vừa lòng ngay:
- Ông bà ta nói: Làm thầy phải chính tâm mới dạy được người. Làm
quan phải nghĩa khí lúc hiểm nguy, liêm chính lúc thư nhàn mới che chở đỡ