Châu Sơn, Nho Quan – phố thị cửa rừng. Chiều mờ gió hút. Sông
Hòang Long sóng xanh man mác hiu hắt buồn. Lữ khách dừng chân quán
vắng đợi chuyến đò ngang. Bát nước chè xanh xua đi nỗi nhọc, ấm lòng
người lữ thứ. Cô hàng bé nhỏ thơ ngây. Khách nhìn đắm đuối. Ánh mắt trẻ
hững hờ theo đám mây trôi. Một cánh chim chiều ngơ ngẩn tìm chốn dừng
chân. Trong bóng tịch dương lòng xao xuyến vấn vương hồn thu thảo.
Nàng chớm tuổi 13, phận út chịu mồ côi mẹ lúc lên 10! Cha nàng là
nhà văn nổi tiếng làm sao trách được gà trống không thể nuôi con. Hai
người anh lớn theo nối nghề cha, người anh thứ ba đành phải giã từ đồng
đội đảm trách phận sự người cha trước hai đứa em niên thiếu. Hai chàng
trai trẻ Hà thành nhận ra nhau từng là đồng môn, giờ đồng cảnh ngộ, tình
cờ gặp nhau, mau chóng kết giao thành đôi tri kỷ.
Chỉ biết họ là trai kinh đô
Ra đi từ độ khởi sao cờ
Áo xanh dàu dãi sờn vai lính
Trong nghèo xơ xác vẫn thương nhau
Quán trọ đơn sơ mái tranh lọt nắng, phên vách gió lùa nhưng vẫn đầy
nhà tiếng hát, lời thơ, tiếng cười trong trẻo. Bốn anh em thân mỏng vai gầy,
đỡ nhau qua ngày. Đôi lúc thắt ngặt, mắt có thể đói vàng nhưng mộng vẫn
treo vàng trước mắt.
Biết Bích Thủy sáng dạ tươi xinh chăm chỉ, đa cảm giống cha và đa
sầu vì sớm chịu nỗi đau mất mẹ, mau thân với người anh nho nhã văn nhân.
Ngọc Ẩn nhận chân giáo làng dạy chữ cho đám trẻ bơ vơ thất học. Thù lao
cho thầy không tính theo tháng mà tính theo mùa vụ nhà nông hoặc những
chuyến ngược xuôi chạy chợ thất thường của dân tản cư tứ xứ. Lương bổng
có thể là mấy tờ bạc mỏng, là lưng lửng những túi thóc, gạo, ngô, khoai…
Bích Thủy ngòai giờ đi học vừa trông quán nước vừa lo chuyện nhà. Bé lớn
khôn trước tuổi, lại thêm nết truyền văn chương từ bố và đặc biệt có giọng
ngâm thơ truyền cảm. Bé tần tảo, đảm đang mọi việc cửa nhà. Nhà văn lâu
lâu đáo về cho một lời khen:
- Con này tuy bé mà đảm trách được cả việc của người chị, người mẹ
trong nhà!